Nhằm nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, ngành tòa án đang phấn đấu khắc phục tình trạng sai sót về tố tụng và nội dung trong giải quyết các vụ án dân sự.
Thẩm phán cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, nội dung vụ án để tránh sai sót khi xử án. Trong ảnh: Một phiên tòa xét xử dân sự sơ thẩm ở TAND TP. Vũng Tàu. |
Ông Cao Minh Vỹ, Chánh tòa Dân sự, TAND tỉnh cho biết, qua thực tiễn xét xử các vụ án dân sự, TAND tỉnh phát hiện một số sai sót cả về tố tụng và nội dung của các đơn vị như: xác định sai về quyền khởi kiện của đương sự; bỏ sót người tham gia tố tụng; sai sót trong việc người đại diện rút yêu cầu khởi kiện; không giải quyết hết các yêu cầu của đương sự…
Đơn cử, vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản tại huyện Long Điền giữa nguyên đơn là bà Đ.Th.L. và bà Đ.Nh.B.Ng. (bị đơn) có sai sót. Cụ thể, ngày 29/5/2019, bà L. cho bà Ng. vay 3 tỷ đồng, lãi suất 2%/tháng, thời hạn vay là 2 năm kể từ ngày công chứng. Tuy nhiên, bà Ng. chỉ trả lãi cho bà L. được 3 tháng đầu. Sau 2 tháng bà Ng. không trả lãi, bà L. đã khởi kiện ra tòa để yêu cầu trả cả gốc lẫn lãi. Quá trình giải quyết vụ án trên, TAND huyện Long Điền đã ra quyết định đình chỉ vụ án vì cho rằng, thời hạn vay theo hợp đồng chưa hết nên bà L. không có quyền khởi kiện.
“Đây là nhận định sai lầm của cấp sơ thẩm về quyền khởi kiện, vì tuy chưa đến hạn trả nợ gốc nhưng bà Ng. đã vi phạm nghĩa vụ trả lãi nên bà L. có quyền kiện đòi trả cả gốc và lãi. Còn việc tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà L. hay không thì phải căn cứ vào chứng cứ các bên cung cấp và quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng vay tài sản để giải quyết, tòa sơ thẩm không thể cho rằng vì chưa đến hạn trả nợ mà bà L. không có quyền khởi kiện được”, ông Vỹ nói.
Tương tự, việc xét xử vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà L.Th.H.Nh., ông L.V.H. (nguyên đơn) và bà Tr.Th.L., L.Th.K.Ph. của TAND huyện Đất Đỏ cũng có sai sót. Trong vụ án này, các thửa đất mà bà L. và Ph. nhận chuyển nhượng đã được chuyển nhượng cho người thứ ba, người thứ ba đã quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, khi giải quyết án, cấp sơ thẩm không đưa người thứ ba tham gia tố tụng, làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Bên cạnh đó, việc chậm giao bản án cho đương sự, dẫn đến đương sự kháng cáo quá thời hạn theo luật định cũng là lỗi thường thấy của một số đơn vị. Theo quy định pháp luật, thời hạn giao bản án là 10 ngày kể từ ngày tuyên án đối với án sơ thẩm, nhưng thực tế một số thẩm phán giao bản án chậm so với thời hạn quy định, có trường hợp chậm đến 2 tháng. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền kháng cáo của đương sự. “Nếu thẩm phán phát hành bản án trễ thì đương sự sẽ không thể nắm bắt chính xác nội dung bản án và các thông tin cần thiết để làm đơn kháng cáo đúng hạn. Vì vậy, đã có trường hợp TAND tỉnh chấp nhận kháng cáo quá hạn của đương sự do lỗi giao bản án trễ của thẩm phán”, ông Vỹ phân tích.
Việc áp dụng pháp luật trong công tác xử án vẫn còn một số sai sót. Các sai sót này như: nhầm lẫn giữa việc giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc với tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; xác định thiếu người trong diện thừa kế khi giải quyết án chia thừa kế; áp dụng án lệ chưa đúng theo quy định pháp luật; thu thập và đánh giá chứng cứ không đầy đủ, toàn diện và khách quan…
Bản án số 40/2019 của TAND huyện Xuyên Mộc là một ví dụ. Theo nội dung vụ việc, ông H.Ng.D. khởi kiện ông D.A. yêu cầu trả tiền đặt cọc 50 triệu đồng và phạt cọc 100 triệu đồng. Cấp sơ thẩm nhận định, ông D. ký hợp đồng đặt cọc với ông A. nhưng không được sự đồng ý của vợ là bà D. là vi phạm quyền lợi của người đồng sở hữu, từ đó tuyên hợp đồng đặt cọc vô hiệu. Nhận định trên được xem là không phù hợp nên đã bị cấp phúc thẩm hủy án, vì đây là việc các bên giao ký hợp đồng đặt cọc, không phải hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo ông Vỹ, để khắc phục các sai sót trên, các thẩm phán cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, nội dung vụ án, điều tra thu thập chứng cứ một cách khách quan, chính xác, toàn diện trên cơ sở yêu cầu, lời khai và chứng cứ mà các đương sự cung cấp, tránh phiến diện một chiều theo ý chí chủ quan của thẩm phán; thực hiện tốt việc áp dụng pháp luật đúng quy định. Khi áp dụng án lệ, thẩm phán cần nghiên cứu kỹ tình huống pháp lý và tình tiết để tránh sai sót.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG