ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ : trong phổ biến, giáo dục pháp luật
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là giải pháp tích cực và hữu hiệu trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Một hình ảnh được đưa lên mạng xã hội để tuyên truyền chính sách của BR-VT về chăm sóc sức khỏe sinh sản. |
Ông Phạm Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin đa dạng, nhanh chóng, đồng thời thực hiện chủ trương của Thủ tướng về “Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”, đến nay các sở, ngành và UBND cấp huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện của ngành, cấp quản lý. Tại cổng thông tin điện tử của sở, ngành, UBND các cấp đều đăng tải nội dung giới thiệu về chính sách, pháp luật thuộc quyền quản lý; xây dựng mục hỏi đáp, tư vấn các nội dung pháp luật và chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã bước đầu triển khai PBGDPL qua Facebook, lập nhóm Zalo thông qua hình thức tạo các trang thông tin về pháp luật. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng bám sát công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.
Điển hình như trang điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp, các trang Fanpage của Công an, Đoàn thanh niên các huyện, thành phố. Nhiều xã, phường, thôn, tổ dân phố đã thành lập các nhóm zalo liên kết các thành viên trong cộng đồng kịp thời tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Riêng Sở GD-ĐT đã sử dụng VnEdu và một số tiện ích từ Zalo để đăng tải các văn bản pháp luật, tuyên truyền cho HS, SV.
Việc ứng dụng CNTT đã giúp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, thúc đẩy cải cách hành chính, giúp người dân dễ dàng, thuận lợi trong tiếp cận với thông tin về pháp luật.
Ứng dụng CNTT vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật sẽ giúp người dân tiếp cận pháp luật dễ dàng hơn. Trong ảnh: Người dân tìm hiểu pháp luật qua trang điện tử của Sở Tư pháp. |
Bên cạnh đăng tải các tài liệu tuyên truyền pháp luật đơn thuần, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị như: Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB-XH, Đoàn thanh niên… vận động HS trên địa bàn tỉnh tham gia cuộc thi “Pháp luật học đường” trực tuyến toàn quốc, do Bộ Tư pháp và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức. Theo bà bà Nguyễn Thị Bông, Phó Trưởng phòng Phổ biến Giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp), cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường” đã góp phần đổi mới phương pháp học tập, tìm hiểu pháp luật trong nhà trường, giáo dục ý thức, thói quen tìm hiểu pháp luật, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong HS, SV trên địa bàn tỉnh.
Em Nguyễn Huy Hoàng (HS lớp 11, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Bà Rịa) cho biết, qua cuộc thi em đã hiểu rõ hơn về các văn bản pháp luật như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của thanh, thiếu niên trong Luật Thanh niên, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Giáo dục, Luật Trẻ em… các hành vi bị nghiêm cấm, trách nhiệm pháp lý của lứa tuổi người học về hình sự, hôn nhân và gia đình, an toàn giao thông đường bộ, hàng không; pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia, tệ nạn xã hội, mua bán người; hành vi vi phạm pháp luật và chế tài đối với một số hành vi vi phạm thường diễn ra trong nhà trường (xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; bạo lực học đường, trật tự an toàn xã hội; hành vi trái pháp luật trong sử dụng mạng xã hội…
Theo ông Phạm Hồng Phúc, hiện Sở Tư pháp đang phối hợp với Trung tâm CNTT của Sở Thông tin-Truyền thông xây dựng nội dung chi tiết của trang phổ biến, giáo dục pháp luật và trình UBND tỉnh cho chủ trương phê duyệt. Dự kiến, việc xây dựng nội dung Trang phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2021.
Bài, ảnh: THANH HẢI