Trong cao điểm kiểm tra nồng độ cồn

Thứ Sáu, 18/12/2020, 18:23 [GMT+7]
In bài này
.

Trong cao điểm bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), tối 17/12, lực lượng CSGT và Trật tự (Công an TP. Vũng Tàu) ra quân kiểm tra nồng độ cồn.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển xe máy.
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển xe máy.

NHIỀU TÀI XẾ ĐỊNH BỎ CHẠY KHI BỊ DỪNG XE

Theo đó, 2 chốt kiểm tra đã được lập trên đường 30/4, phường 11, TP.Vũng Tàu. Chỉ trong 2 giờ dừng xe kiểm tra, lực lượng CSGT đã phát hiện 19 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó, có 11 trường hợp vi phạm nồng độ cồn từ 0,4miligam/lít khí thở trở lên. Lực lượng chức năng cũng đã tạm giữ 5 xe ôtô và 14 xe môtô.

Anh Bùi Q.H (SN 1985, trú tại phường 11, TP. Vũng Tàu) - người bị CSGT dừng xe kiểm tra và phát hiện nồng độ cồn lên tới 0,820 miligam/lít khí thở. Anh H. tá hỏa khi nhìn vào mức phạt trong biên bản lên tới 7 đến 8 triệu đồng. “Vì vui quá chén mà tiền phạt bằng cả tháng lương. Tôi biết sai rồi, từ nay nhậu nhẹt thì nhờ người chở hoặc bắt taxi về cho an toàn” - anh H. nói sau khi ký biên bản. 

Trong quá trình kiểm tra, đã có một số trường hợp bất hợp tác, như trường hợp của ông Nguyễn. Q. T (SN 1962, trú tại phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu). Ông T. điều khiển xe ôtô biển số 72A-116… lưu thông trên đường 30/4 hướng về TP. Bà Rịa. Khi gặp chốt kiểm tra (đoạn trước UBND phường 11) và bị ra hiệu dừng xe, ông T. cố tình rẽ vào hẻm 1.000 đường 30/4, tuy nhiên ý định của ông bất thành. Khi CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ông T. lại tỏ thái độ bất hợp tác, kiên quyết không thổi vào máy đo nồng độ. Chỉ khi lực lượng công an đưa xe về UBND phường 11 và vận động, giải thích, ông T. mới đồng ý thổi vào máy đo nồng độ cồn. Kết quả, nồng độ cồn của ông T. là 0,670 miligam/lít khí thở. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ xe ôtô của ông T..

Hay trường hợp của Lê V. Kh. (SN 1999, quê tỉnh Bạc Liêu) điều khiển xe máy biển số 69F1-334… khi gặp chốt kiểm tra nồng độ cồn liền tăng ga bỏ chạy. Tuy nhiên, lực lượng CSCĐ đã khống chế được Kh. và yêu cầu thổi vào máy kiểm tra, kết quả nồng độ cồn của Kh.là 0,515 miligam/lít khí thở. Khi được hỏi vì sao tăng ga bỏ chạy, Kh. biện minh: “Tại em đội mũ bảo hiểm kín đầu, nên không để ý có lực lượng công an kiểm tra nồng độ cồn”. 

QUY TRÌNH KIỂM TRA BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG CHỐNG DỊCH

Để bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19, ghi nhận tại các chốt kiểm tra nồng độ cồn cho thấy, lực lượng CSGT tuân thủ nghiêm ngặt quy định. Cụ thể, không sử dụng phễu kiểm tra cồn mà chỉ sử dụng ống thổi dùng 1 lần. Ống thổi được trao cho tài xế tự tay xé niêm phong. Ngoài ra máy kiểm tra nồng độ cồn được khử trùng bằng dung dịch sát khuẩn trước khi đưa vào sử dụng. 

Theo Trung tá Nguyễn Xuân Tân, Phó Đội CSGT và Trật tự (Công an TP. Vũng Tàu): “TNGT có nguyên nhân liên quan đến sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng và để lại những hậu quả nặng nề cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Vào dịp cuối năm tình trạng sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện có chiều hướng gia tăng. Do đó, trong thời gian tới, lực lượng CSGT và Trật tự sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm”.

Nghị định 100/2019, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, đối với xe máy: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu đến vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở đến vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Đối với ô tô: Phạt tiền từ 6 đến 40 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu đến vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở đến vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Ngoài ra, tương ứng với từng mức độ vi phạm như nêu trên, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10-12 tháng, 16-18 tháng và 22-24 tháng.

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

;
.