Để xảy ra tai nạn lao động cho trẻ em có thể bị xử lý hình sự

Thứ Ba, 29/12/2020, 18:53 [GMT+7]
In bài này
.

Vừa qua trên địa bàn tỉnh xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến lao động (LĐ) trẻ em. DN sử dụng LĐ sẽ bị xử lý như thế nào?

Cơ quan chức năng điều tra tại hiện trường xảy ra tai nạn làm em Nguyễn Thành Luân tử vong.
Cơ quan chức năng điều tra tại hiện trường xảy ra tai nạn làm em Nguyễn Thành Luân tử vong.

Công an huyện Châu Đức và Thanh tra Sở LĐ-TB-XH đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra tại xưởng chế biến mủ cao su của chi nhánh công ty TNHH Đầu tư Thái Quốc Bảo (gọi tắt là công ty Thái Quốc Bảo), khiến 1 nam công nhân tử vong vào chiều 16/12. Theo đó, danh tính nam công nhân bị TNLĐ dẫn đến tử vong tại Công ty Thái Quốc Bảo được xác định là Nguyễn Thành Luân, quê ở Tây Ninh, sinh ngày 23/3/2005 (15 tuổi).

Tai nạn xảy ra vào khoảng 9 giờ 45 phút, khi Luân cùng 2 công nhân khác đang thực hiện kéo thủ công các ngăn chứa mủ tại lò sấy để đưa ra ngoài.

Tại đây, 2 công nhân làm chung nghe thấy tiếng kêu của Luân nên nhìn vào lò sấy thì thấy trên đầu nạn nhân chảy nhiều máu. Ngay sau đó, họ kéo nạn nhân ra ngoài và đưa đi cấp cứu, nhưng nạn nhân đã    tử vong.

Theo một công nhân làm chung kể lại: “Trong lúc đang kéo mủ từ lò sấy ra ngoài, do bị té ngã nên ngăn chứa mủ nặng hơn nửa tấn đang trượt nhanh trên thanh ray, đã chèn lên đầu nạn nhân.” Qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định nạn nhân bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, Chi nhánh Công ty Thái Quốc Bảo do ông Đ.Q.B. SN 1990, quê Tây Ninh làm người đại diện pháp luật (thuộc Công ty TNHH Phát Hưng Tây Ninh, do ông Đ.Q.S làm chủ). Chi nhánh Công ty này hoạt động từ năm 2016.

Theo Luật sư Đỗ Thành Trung, Văn phòng Luật sư Họ Vũ (60, Lê Hồng Phong, phường 4,  TP.Vũng Tàu), pháp luật hiện hành không nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em nhưng lại quy định cụ thể về danh mục ngành nghề không được sử dụng lao động trẻ em. Cụ thể, Bộ luật Lao động 2012 có nói rõ: độ tuổi được tham gia quan hệ lao động và nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động thì người lao động (NLĐ) là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng LĐ, làm việc theo hợp đồng (HĐ) LĐ, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng LĐ. Khi sử dụng LĐ trẻ em, người sử dụng LĐ phải tuân theo quy định như: phải ký kết HĐLĐ bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của trẻ. Bởi trẻ em chưa có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên người đại diện theo pháp luật sẽ nhân danh để ký kết HĐLĐ. Đồng thời, trẻ em phải được bố trí công việc bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi…

Cùng với đó, Điều 296, Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ tội vi phạm quy định về sử dụng người LĐ dưới 16 tuổi được quy định như sau: Người nào sử dụng người LĐ dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm như: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%. 

Trong trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài ra, theo Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995 quy định về các danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì ngành nghề chế biến mủ cao su thuộc ngành hóa độc hại, nặng nhọc.

Như vậy, việc thuê LĐ là trẻ em làm các nghề độc hại, nặng nhọc là vi phạm pháp luật. Trong trường hợp để xảy ra tai nạn, gây hậu quả nghiêm trọng, chủ DN có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

;
.