93.000 trẻ em BR-VT đã có số định danh cá nhân
Sắp tới sẽ bỏ “Sổ hộ khẩu” giấy thay bằng mã số định danh cá nhân. Tuy nhiên, việc thay thế này là như thế nào và lợi ích mang lại là gì? Phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp xung quanh vấn đề này.
• Phóng viên: Thưa ông, triển khai việc áp dụng mã số định danh từ thời điểm nào, trẻ em được cấp số định danh cá nhân, đến khi đủ 14 tuổi sẽ dùng làm căn cứ để cấp Căn cước công dân?
- Ông Phạm Hồng Phúc: Theo quy định của Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân thì việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em được thực hiện ngay khi đăng ký khai sinh. Kể từ tháng 9/2020, tất cả trẻ em trên toàn quốc, khi đăng ký khai sinh đều được cấp 1 số định danh cá nhân. Số định danh gồm 12 số, và cũng là số Thẻ căn cước công dân sau này.
Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Tư pháp đã phối hợp với Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện việc cấp Số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi đăng ký khai sinh bắt đầu từ ngày 1/1/2016 (BR-VT là một trong 4 tỉnh thành triển khai thí điểm việc cấp số định danh cá nhân). Tính đến ngày 31/10/2020, trên địa bàn tỉnh đã có gần 93.000 trẻ em được cấp số định danh cá nhân. Theo đó, trẻ sinh từ 1/1/2016 đã được cấp số định danh cá nhân, và khi đủ 14 tuổi sẽ được cấp Căn cước công dân theo số định danh này.
• Ông có thể cho biết, việc cấp số định danh cá nhân mang đến những lợi ích gì?
- Cấp mã số định danh là một điểm mới của Luật Hộ tịch 2014. Số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam (nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của công dân), không lặp lại ở người khác, được quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khi hoàn thành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc thì thuận lợi nhất đối với người dân là toàn bộ dữ liệu hộ tịch của họ đã được tập hợp đầy đủ, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức “không giấy”.
Thay cho sổ hộ khẩu, mã số định danh cá nhân sẽ giảm tải nhiều thủ tục hành chính. Cụ thể, việc tra cứu, cấp xác nhận hộ tịch, bảo sao, trích lục hộ tịch theo yêu cầu của người dân cũng bảo đảm nhanh chóng, chính xác và thuận lợi hơn, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch được hoàn thiện sẽ cung cấp kịp thời, thường xuyên những di/biến động về hộ tịch của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu dân cư. Việc chia sẻ dữ liệu cá nhân cho các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác sẽ bảo đảm chính xác hơn.
Việc hoàn chỉnh dữ liệu hộ tịch sẽ giúp cho việc theo dõi, quản lý, thống kê sinh-tử bảo đảm kịp thời và chính xác, sẽ góp phần quan trọng để tiến tới loại bỏ hoạt động tổng điều tra dân số (10 năm 1 lần) như trước đây.
Việc quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân sẽ góp phần giảm thủ tục hành chính. |
• Công tác triển khai cấp số định danh cá nhân trên địa bàn tỉnh hiện gặp những khó khăn gì thưa ông?
- Hiện nay, công tác cấp số định danh cá nhân khá thuận lợi. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện gặp một số khó khăn như: đội ngũ công chức hộ tịch cấp xã còn thiếu, dẫn đến áp lực công việc nặng nề. Hơn nữa, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa hoàn chỉnh, các bộ, ngành chưa triển khai đồng bộ cũng gây ra những bất cập khi thực hiện các đề án liên thông…
Dù vậy, nhìn chung đến nay cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật từ cấp tỉnh cho đến cấp xã đã đáp ứng khá tốt, tạo điều kiện để tỉnh triển khai hiệu quả Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.
• Xin cảm ơn ông!
TRÚC GIANG
(Thực hiện)