Được triển khai từ đầu năm học 2019-2020 đến nay, mô hình “Cổng trường ATGT” đã phát huy tác dụng trong việc góp phần hạn chế tình trạng va chạm giữa người đi đường hay ùn tắc trước cổng trường vào giờ tan học. Mô hình cũng giúp giáo dục ý thức cho HS trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thanh niên tình nguyện điều tiết giao thông và nhắc nhở phụ huynh đậu xe đúng nơi quy định tại cổng trường THCS Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc. |
Có mặt tại cổng Trường TH Phước Thắng (Đô Lương, phường 11, TP.Vũng Tàu) vào giờ tan học, mặc cho tiết trời buổi trưa khá nóng nực, một hàng dài xe máy, xe ô tô vẫn đỗ ngang hàng thẳng lối. Ở giữa lối đi vào cổng trường, từng tốp HS bước đi bình thản và nhẹ nhàng, không hề có tình trạng lộn xộn hay chen lấn như nhiều người vẫn tưởng tượng về hình ảnh cổng trường giờ tan học. Đó là kết quả của thầy, trò, phụ huynh trong triển khai thực hiện mô hình “Cổng trường ATGT”.
Cô Nguyễn Thị Hoa Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường TH Phước Thắng cho biết, trước đây, tuyến đường Đô Lương dẫn từ đường 30/4 vào trường khá nhỏ hẹp, số lượng HS của trường lên tới gần 3.000 em, mỗi giờ tan học lại tạo nên áp lực về mật độ lưu thông, thêm vào đó là tình trạng đỗ xe không đúng nơi quy định của một số phụ huynh dẫn đến ùn tắc. Do đó, ngay sau khi Sở GD-ĐT có văn bản chỉ đạo về việc xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT”, nhà trường đã cử GV luân phiên phối hợp với lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên phường 11 tham gia điều tiết giao thông vào giờ cao điểm, phân khu vực dừng, đỗ xe trên vỉa hè. Dần dần, thói quen được hình thành, không ai bảo ai, mỗi phụ huynh đến đón con đều tự giác, chủ động xếp xe gọn gàng, ngay hàng thẳng lối dọc bên lề đường, chừa chỗ cho xe khác đi lại. Nếu có trường hợp nào còn để lộn xộn, phụ huynh đứng ở các điểm chờ con tự nhắc nhở, bảo ban nhau.
Bà Trần Thị Thu Huệ, người dân phường 11, TP.Vũng Tàu bày tỏ: “Từ khi có “Đội xung kích giữ gìn trật tự ATGT” ở cổng trường, khu vực trên hầu như không còn tình trạng phụ huynh dừng, đỗ xe chiếm lòng đường, HS đi lại trật tự hơn, góp phần bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông”.
Tương tự, từ đầu năm học 2019-2020, Trường TH Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu cũng đã tiến hành kẻ vạch sơn, phân chia khu vực trước cổng trường để phụ huynh đỗ xe chờ đón con, đồng thời bố trí giờ tan học riêng cho từng lớp chênh nhau trong vòng 10 phút để hạn chế ùn tắc, va chạm giữa các xe của phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Minh Thư, phụ huynh HS cho biết: “Tôi thấy nhà trường phân luồng chỗ để xe cho phụ huynh và bố trí giờ tan học khá hợp lý, thuận tiện, giúp phụ huynh ý thức hơn trong lúc đợi đón con và các cháu HS cũng đi lại ngay hàng thẳng lối, không đùa nghịch, chạy lộn xộn như trước”.
Đối với HS vùng nông thôn, việc được cha mẹ đưa đón đi học chỉ là số ít, phần đông vẫn là các em tự đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường nên việc đảm bảo an toàn cho các em rất được nhà trường quan tâm. Đơn cử như Trường THCS Huỳnh Tịnh Của (TT. Long Điền, huyện Long Điền), nhà trường thực hiện công tác phân luồng giao thông cụ thể như sau: HS gần nhà đi bộ hoặc phụ huynh đưa đón thì ra vào cổng 1 (cổng bảo vệ). HS đi xe đạp và xe đạp điện thì ra vào cổng 2 (cổng sau). Ngoài ra, nhà trường còn lồng ghép tuyên truyền, giáo dục ý thức quan sát khi qua đường, đi đúng quy định, ngay ngắn, không chạy giỡn... thông qua các buổi chào cờ đầu tuần hoặc các tiết học ngoại khóa, các cuộc thi vẽ tranh, sân khấu hóa các tiết mục về ATGT…
“Nhờ được thầy cô thường xuyên tuyên truyền mà chúng em luôn nắm rõ và nhắc nhở nhau không tụ họp trước cổng trường, phải đứng trên vỉa hè ở vị trí quy định để chờ phụ huynh đến đón về; nếu tự đi về bằng xe đạp, hay đi bộ thì không được đi hàng hai, hàng ba và đùa giỡn trên đường vì rất nguy hiểm”, em Nguyễn Lý Xuân Hùng, HS lớp 6A, Trường THCS Huỳnh Tịnh Của cho biết.
Với sự nỗ lực của các trường, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự hưởng ứng của HS, phụ huynh, mô hình “Cổng trường ATGT” dần thể hiện rõ hiệu quả trong việc góp phần giữ gìn trật tự ATGT, giải quyết tình trạng lộn xộn, ách tắc giao thông xảy ra khi tan học.
Bước vào năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương duy trì và phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường ATGT”. Tuy nhiên, để mô hình ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu, bên cạnh việc tuyên truyền và bảo đảm ATGT cho HS, các trường cũng nên chú trọng hơn đến việc trang bị cho các em kỹ năng, cách xử lý tình huống nhằm phòng tránh rủi ro khi tham gia giao thông.
(Ông Lê Văn Tuyền, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT)
|
Bài, ảnh: MINH NHÂN