.
TÁCH LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Tăng tính chuyên biệt và nâng hiệu quả quản lý

Cập nhật: 21:20, 26/10/2020 (GMT+7)

Đó là quan điểm của Thượng tá Đỗ Tuấn Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT (PC08), Công an tỉnh khi đề cập đến việc Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 10 tới đây 2 dự thảo: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ. Đề xuất này được coi như là “tách” Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật riêng biệt, có phạm vi điều chỉnh khác nhau.

* PV: Thưa Thượng tá, có cần thiết phải “tách” luật như đề xuất của Chính phủ?

- Thượng tá Đỗ Tuấn Hùng: Qua 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008, cho thấy cần phải có luật chuyên sâu, độc lập về lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ. Trên thực tế, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm do ngành công an chịu trách nhiệm chính. Trong khi đó, phát triển hạ tầng là khâu đột phá cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình giao thông trọng điểm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, do ngành giao thông vận tải chịu trách nhiệm chính.

Luật Giao thông đường bộ 2008, hiện tại chưa giải quyết được các vấn đề này, còn thiếu các chính sách về quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện, tổ chức an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm…Bên cạnh đó, việc xây dựng hạ tầng phải phụ thuộc vào rất nhiều luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai…Vì vậy, nếu chỉ dựa vào Luật Giao thông đường bộ 2008 thì nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.

Ngoài ra, trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và các cá nhân để bảo đảm trạng thái giao thông có trật tự, an toàn, đúng pháp luật. Còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với các tổ chức, cá nhân khi thiết kế, quy hoạch, xây dựng và chuyển giao các công trình, hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải. Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại đang được điều chỉnh trong cùng một luật; dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực. Do đó, việc “tách” thành 2 luật là phù hợp với xu thế chuyên sâu hoá trong xây dựng pháp luật hiện nay. Lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông được điều chỉnh trong đạo luật riêng, tách bạch với lĩnh vực hạ tầng và vận tải được điều chỉnh bằng các luật riêng.

Một số ý kiến cho rằng, xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT theo hướng chuyên sâu, độc lập là phù hợp thực tiễn hiện nay. Trong ảnh: Phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 51 (đoạn qua TP. Bà Rịa).
Một số ý kiến cho rằng, xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT theo hướng chuyên sâu, độc lập là phù hợp thực tiễn hiện nay. Trong ảnh: Phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 51 (đoạn qua TP. Bà Rịa).

* Theo ông, công tác bảo đảm trật tự ATGT sẽ chuyển biến theo hướng tích cực nhờ những điều chỉnh có tính chuyên sâu, độc lập ở Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ?

- Tình hình giao thông hiện nay có rất nhiều vấn đề đang đặt ra cần phải giải quyết như: tai nạn giao thông vẫn ở mức cao; kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn kém. Tình trạng coi thường pháp luật, vi phạm trật tự, an toàn giao thông; ùn tắc giao thông vẫn rất phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tôi cho rằng, xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ sẽ rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Phù hợp với xu thế chuyên sâu hoá trong xây dựng pháp luật của nước ta hiện nay.

Do đó, việc xây dựng luật này là hết sức cấp thiết, đặt yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và tài sản của người tham gia giao thông lên một bước quan trọng, giải quyết tình hình thực tiễn đang đặt ra hiện nay.

* Xin cảm ơn ông!

TRÍ NHÂN
(Thực hiện)

.
.
.