Cần mạnh tay trong xử lý tiếng ồn

Thứ Sáu, 23/10/2020, 20:15 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, tình trạng hát karaoke, ca nhạc bằng loa thùng di động, gây ồn ào, mất trật tự trong các khu dân cư diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn chưa dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Sử dụng loa kẹo kéo để hát karaoke nếu gây âm thanh quá lớn sẽ bị xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. (Ảnh minh họa).
Sử dụng loa kẹo kéo để hát karaoke nếu gây âm thanh quá lớn sẽ bị xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. (Ảnh minh họa).

Sống trong hẻm nhỏ tại khu Á Châu (phường 2, TP.Vũng Tàu), chị Lê Thị An và các con nhỏ thỉnh thoảng có những buổi tối không yên tĩnh. Bởi mấy quán ăn gần đó, nhiều đêm tiếng loa kẹo kéo gây ồn ào đến tận gần 23 giờ vẫn chưa dứt. Hàng xóm ở đây cũng hay tụ tập ăn uống hát hò đến khuya. “Tiếng ồn vượt quá mức quy định không chỉ gây khó chịu ngay tại thời điểm đó mà còn tác động xấu đến sức khỏe về lâu dài. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, thực hiện tuyên truyền pháp luật để người dân biết và tuân thủ”, chị An bày tỏ.

Tương tự, anh Lê Thanh Hải (Khu phố 5, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) cho biết, tình trạng gây tiếng ồn từ dàn loa âm thanh công suất lớn, diễn ra khá phổ biến ở khu dân cư như: hát karaoke gia đình, hát karaoke từ loa kẹo kéo, đám cưới, đám ma, tiệc sinh nhật... Theo anh Hải, hát hò gì cũng được nhưng không được làm ảnh hưởng tới người khác, hát nhạc to phải có phòng cách âm. Trong thực tế, nhiều nhà mở loa hết cỡ, lại không có cách âm khiến hàng xóm nhức hết tai, khi bị nhắc có khi họ càng mở to hơn. Nhiều lúc đi làm về mệt, hay con ốm đau, gia đình muốn nghỉ ngơi yên tĩnh một chút nhưng “loa” nhà hàng xóm cứ ra rả cả ngày khiến cảm giác rất mệt và bực.  Không riêng gì anh Hải mà rất nhiều người trong khu dân cư cũng bức xúc về loại âm thanh từ các hoạt động trên. 

Ông Hồ Thành Hưng, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa-Thể thao cho biết, hiện việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 10/6/2019. Theo đó, UBND tỉnh giao Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa có sử dụng thiết bị âm thanh gây tiếng ồn; gây ách tắc giao thông, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè.

Đồng thời, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn làm mất an ninh trật tự tại khu dân cư, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi của người dân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Đối với Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành có liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tiếng ồn thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 55/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, vi phạm về tiếng ồn sẽ bị phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2 dBA (đơn vị đo độ ồn âm thanh). Phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA. Phạt tiền từ 5-20 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 5 dBA đến dưới 10 dBA… Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn phải chịu hình thức phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở 3-6 tháng hoặc 6-12 tháng (tùy mức độ vi phạm).

Dù đã có quy định như trên tuy nhiên, theo ông Hồ Thành Hưng, việc xử lý tiếng ồn trên địa bàn tỉnh hiện chủ yếu từ việc sử dụng loa kẹo kéo để hát karaoke, hay hát nhạc sống tại các quán cà phê hát cho nhau nghe... Thế nhưng, trong xử lý vi phạm tiếng ồn hiện cũng đang gặp khó khăn do chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt các loại hình này. Bởi, theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng thiết bị âm thanh gây tiếng ồn thuộc Công an. Còn Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lại là của Sở TN-MT. 

Vì vậy, để xử lý có hiệu quả vấn đề này, cần phải có quy chế phối hợp kiểm tra giữa Sở Văn hóa - Thể thao, Công an tỉnh, Sở TN-MT. Qua đó, đủ thành phần, lực lượng, phương tiện kiểm tra thì khi đó mới bảo đảm được tính khách quan trong quá trình xử lý vi phạm theo thẩm quyền. “Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã áp dụng các quy định của luật để xử lý những vi phạm về tiếng ồn. Nhưng hiện nay mức xử phạt liên quan đến vi phạm tiếng ồn còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa-Thông tin đề xuất tăng mức xử phạt hành vi vi phạm ô nhiễm tiếng ồn. Đồng thời, đề xuất bổ sung thêm điều kiện xử phạt: Tước hoặc tịch thu tang vật gây tiếng ồn”, ông Hồ Thành Hưng cho biết thêm.

Theo luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh), Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định về trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100-300 ngàn đồng đối với một trong những hành vi: gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng ngày hôm sau; không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của bệnh viện, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung; bán hàng ăn, uống, hàng giải khát quá giờ quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phạt tiền 300-500 ngàn đồng đối với hành vi: dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, loa kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định nêu trên.

Bài, ảnh: THANH HẢI

;
.