Lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; quy định chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ; quy định mới về thu phí điện tử không dừng... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2020.
HS Trường MN Hương Sen (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học. (ảnh mang tính minh họa) |
Lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, TH, THCS
Có hiệu lực từ ngày 18/08/2020, Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/06/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Theo quy định, đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo gồm: GV mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định; GV tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 8 năm công tác (96 tháng) đối với GV có trình độ trung cấp, còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đối với GV có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
GV THCS chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Quy định chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ
Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/06/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ có hiệu lực từ ngày 15/08/2020.
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về: Phân cấp quản lý đơn vị dân quân tự vệ; số lượng Phó Chỉ huy trưởng, tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc của Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; trang phục, sao mũ, phù hiệu của dân quân tự vệ; mức hưởng chế độ phụ cấp các chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ; định mức bảo đảm chế độ, chính sách cho từng thành phần dân quân tự vệ; điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bị ốm đau, bị tai nạn, chết.
Chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị
Có hiệu lực từ ngày 21/8/2020, Nghị định 79/2020/NĐ-CP ban hành ngày 8/7/2020 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
Nghị định này quy định phụ cấp đối với quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên; phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên; phụ cấp theo ngày làm việc; chế độ khám bệnh, chữa bệnh; chế độ trợ cấp tai nạn, trợ cấp chết do tai nạn hoặc chết do ốm đau, tai nạn rủi ro; trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị; chế độ, chính sách đối với học viên đào tạo sĩ quan dự bị; chế độ viếng sĩ quan dự bị từ trần.
Quy định mới về thu phí điện tử không dừng
Quyết định 19/2020/QĐ-TTg ban hành ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng có hiệu lực từ 1/8/2020.
Về tiến độ thực hiện thu phí điện tử không dừng, Quyết định nêu rõ: Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay việc thu phí điện tử không dừng.
Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang hoạt động, chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.
Còn với các trạm thu phí do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, tiến độ hoàn thành sẽ do Bộ GT-VT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.
Cũng theo Quyết định, đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi thực hiện thu phí điện tử không dừng theo quy định của Quyết định này.
Căn cứ điều kiện cụ thể đối với từng trạm thu phí, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định: Việc duy trì mỗi trạm thu phí có 1 làn thu phí hỗn hợp (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng) trên mỗi chiều lưu thông.
Thời điểm chuyển làn hỗn hợp nêu trên sang thu phí điện tử không dừng và thực hiện thu phí toàn bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Tạm dừng và thời gian tạm dừng việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ với các trạm thu phí chưa thực hiện việc thu phí điện tử không dừng theo quy định ở trên và Khoản 3 Điều 7 của Quyết định này do lỗi của nhà đầu tư.
Việc thực hiện thu phí điện tử không dừng đối với các trạm thu phí có thời gian hoàn vốn còn lại dưới 3 năm bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch.
(THEO BAOCHINHPHU.VN)