.

Cây sương sâm" ngáng đường" dự án

Cập nhật: 22:37, 10/08/2020 (GMT+7)

Dự án tuyến đường Bình Ba - Bình Trung (huyện Châu Đức) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 6/2017 và được UBND huyện Châu Đức ban hành thông báo thu hồi đất vào tháng 5/2018. Đồng thời, UBND huyện Châu Đức đã phê duyệt phương án bồi thường, tuy nhiên, 2 năm nay dự án này vẫn chưa thể tiếp tục triển khai do vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Cây sương sâm của gia đình ông Đào Văn Đà (thôn I, xã Bình Trung, huyện Châu Đức) được trồng với mật độ dày đặc.
Cây sương sâm của gia đình ông Đào Văn Đà (thôn I, xã Bình Trung, huyện Châu Đức) được trồng với mật độ dày đặc.

Được biết, để thực hiện dự án tuyến đường Bình Ba - Bình Trung có 74 hộ dân phải giải tỏa, thu hồi đất và đền bù cây cối, hoa màu. Đến nay, huyện Châu Đức đã hỗ trợ đền bù và tái định cư cho 72 hộ dân, chỉ còn lại 2 hộ dân chưa phê duyệt phương án bồi thường do vướng cây sương sâm.

Ông Đào Văn Đà, thôn I, xã Bình Trung cho biết, gia đình ông có hơn 663m2 đất bị thu hồi phục vụ dự án. Việc đo đạc, kiểm đếm đã được triển khai nhưng đến nay gia đình ông Đà vẫn chưa được đền bù. Trên diện tích thu hồi, ông Đà đang trồng gần 58.000 cây sương sâm. Đến nay, UBND huyện chưa ra quyết định đền bù do chưa có quy định cụ thể về việc đền bù đối với loại cây này. 

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Thành, trú tại tổ 8, thôn Lạc Long, xã Kim Long cũng cùng cảnh ngộ. Đến nay gia đình ông Thành cũng chưa được đền bù 3.000m2 trồng cây sương sâm.

Theo tìm hiểu được biết, công tác đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh hiện nay được áp dụng theo Quyết định 66/2014/QĐ-UBND Ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh (gọi tắt là Quyết định 66) về quy định áp giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, diêm nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Giải thích về việc các hộ dân vẫn chưa được nhận đền bù đất đai, hoa màu để giải phóng mặt bằng, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, việc không quy định mật độ trồng dây sương sâm đang là bất cập của Quyết định 66 hiện nay. Theo Quyết định này thì cây sương sâm sẽ không được đền bù theo mật độ mà đền bù theo số lượng cây trồng. Cụ thể, mỗi cây sương sâm sẽ được đền bù với số tiền 10.200 đồng/cây.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT nghiên cứu các quy trình kỹ thuật cây trồng và tổ chức khảo sát, xác định cụ thể đơn giá, mật độ trồng cây sương sâm làm cơ sở xây dựng dự thảo văn bản điều chỉnh, bổ sung đơn giá, mật độ trồng cây sương sâm trên địa bàn tỉnh. Sau đó, chuyển Sở Tư pháp thẩm định dự thảo quyết định điều chỉnh, bổ sung quy định bồi thường, hỗ trợ cây trồng vật nuôi, diêm nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất, để trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian sớm nhất, để có phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Do đó, nếu áp dụng sẽ dẫn đến sự thiếu công bằng, gây ra sự so bì, không đồng tình của các hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện trong dự án. Ví dụ, giá bồi thường cho 1.000m2 đất trồng cây tiêu loại A (loại cây có giá trị nhất thời điểm bấy giờ) chỉ có 150 triệu đồng. Toàn tuyến đường Bình Ba - Bình Trung có 74 hộ dân phải giải tỏa, thu hồi đất và đền bù cây cối, hoa màu thì có 72 hộ đã nhận đền bù với số tiền gần 7 tỷ đồng, riêng 2 hộ dân trồng dây sương sâm, nếu áp dụng Quyết định 66 để đền bù thì giá trị bồi thường đã hơn 3,3 tỷ đồng. “Điều này là rất bất hợp lý. UBND huyện đang tạm hoãn ra quyết định đền bù cho 2 hộ trồng sương sâm trên để xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh”, ông Lê Thanh Liêm nói.

Trước những bất cập trên UBND huyện Châu Đức đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét sửa đổi Quyết định 66. Cụ thể, kiến nghị UBND tỉnh quy định mật độ trồng đối với dây sương sâm thay vì tính số lượng cây như hiện nay để địa phương có cơ sở đền bù hợp lý cho người dân, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công dự án tuyến đường Bình Ba - Bình Trung. Từ kiến nghị của UBND huyện Châu Đức, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT tham mưu, đề xuất. Trao đổi với phóng viên Báo BR-VT về vấn đề này, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết, thực tế thời điểm khi xây dựng Quyết định 66 không có các phương thức canh tác kiểu mới như bây giờ nên đã xảy ra vướng mắc. Sở NN-PTNT đã trình Sở Tư pháp đề nghị sửa đổi Quyết định 66 theo kiến nghị các địa phương, bởi không chỉ có cây sương sâm mà có tới 65 loại cây trong quyết định này phải tính toán lại. 

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

 
.
.
.