Bà Nguyễn Thị Mai (ngụ tại ấp Thạnh Sơn 3, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) phản ánh, gia đình bà có một thửa đất tại ấp Tân An, xã Phước Tân đã canh tác sử dụng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, gần đây, chủ đất giáp ranh là gia đình bà Hoàng Thị Diệp đã lấp suối, lấn chiếm một phần đất của gia đình bà Mai. Phóng viên Báo BR-VT đã tìm hiểu vụ việc.
Khu vực đất đang xảy ra tranh chấp giữa gia đình bà Nguyễn Thị Mai và gia đình bà Hoàng Thị Diệp. |
Có mặt tại hiện trường khu vực đất đang xảy ra tranh chấp giữa gia đình bà Nguyễn Thị Mai và bà Hoàng Thị Diệp, chúng tôi ghi nhận nơi đây có một phần đất trũng đang bị ngập nước, cỏ dại mọc um tùm. Phần không bị ngập nước là các gò, đồi đất đang được trồng điều. Con suối nằm giữa 2 khu đất có đoạn rộng 4m, có đoạn bị thu hẹp chỉ còn khoảng 2,5m.
Theo trình bày của bà Mai, vào năm 1988, bà Mai mua của ông Lê Uynh 16.617m2 đất nông nghiệp, thuộc thửa 11, tờ bản đồ số 41, tọa lạc tại ấp Tân An, xã Phước Tân. Diện tích đất này giáp ranh với thửa đất của bà Diệp và chỉ cách nhau con suối rộng khoảng 3-4m. Nhưng năm 2018, bà Diệp cho người lấp một phần con suối, làm mất ranh giới tự nhiên. Sau đó, hai bên đã tự hòa giải và thống nhất để bà Diệp trồng hàng cây tràm làm ranh giới đất thay thế con suối.
Tuy nhiên, tháng 6/2019, bà Mai phát hiện bà Diệp thực hiện đo đạc, tách thửa rồi đóng cọc ranh giới lấn qua đất của bà. “Tôi yêu cầu bà Diệp trả lại hiện trạng con suối là ranh giới tự nhiên ban đầu. Ngoài ra, tôi cũng đã làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện đo đạc, phân lại ranh đất khu vực này để tránh xảy ra tranh chấp giữa các bên”, bà Mai cho hay.
Trong khi đó, con trai bà Diệp là ông Võ Trọng Nhân cho biết, năm 1983, gia đình ông và gia đình ông Lê Uynh cùng khai phá khu đất thuộc thửa 11, tờ bản đồ số 41, tọa lạc tại ấp Tân An, xã Phước Tân. Hai gia đình chia đất, lấy ranh giới là con suối. Sau đó, gia đình ông Nhân và gia đình ông Lê Uynh đều được cơ quan chức năng cấp giấy CNQSD đất. Thời gian đầu, gia đình ông Nhân trồng lúa nhưng đất không bằng phẳng, không giữ được nước nên không hiệu quả. Đến năm 1989, gia đình ông Nhân cho san đất để trồng điều.
Riêng phần đất trũng thường bị ngập nước vào mùa mưa không trồng được cây gì, nên gia đình ông Nhân bỏ hoang nên cỏ dại mọc nhiều. Ông Nhân cũng thường xuyên phát cỏ trên khu đất hoang này. “Gần đây, tôi có đào mương nước trên phần đất của gia đình mình đã được cấp giấy CNQSD đất, nhưng bà Mai lại cho rằng lấp suối. Dù tôi có thiện chí cùng bà Mai giải quyết hiểu lầm này, nhưng bà Mai không đồng ý mà làm đơn kiện gia đình tôi. Rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết vụ việc này được rõ ràng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của hai bên”, ông Nhân kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên Báo BR-VT về vụ tranh chấp đất nêu trên, ông Nguyễn Hữu Quyên, Chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết, sau khi nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Mai khiếu nại bà Hoàng Thị Diệp lấn chiếm đất, chính quyền địa phương đã mời hai bên đến tổ chức hòa giải. Tuy nhiên, sau nhiều lần hòa giải, các bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. “Do cả hai bên đều được cấp giấy CNQSD đất, nên UBND xã đã hướng dẫn các đương sự khởi kiện đến TAND huyện Xuyên Mộc để được giải quyết”, ông Nguyễn Hữu Quyên cho hay.
Qua diễn biến trên chúng tôi nhận thấy, UBND xã Phước Tân đã xử lý vụ việc theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân và hòa giải ở cơ sở. Theo quy định tại khoản 1, Điều 203 Luật Đất đai 2013: Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã không thành, mà đương sự có giấy CNQSD đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì do TAND thụ lý giải quyết.
Bài, ảnh: NGỌC ANH