.

Cảnh giác nạn trộm tiền công đức, đồ thờ cúng

Cập nhật: 22:08, 23/03/2020 (GMT+7)

Bất chấp giá trị đạo đức xã hội, đạo lý uống nước nhớ nguồn, một số đối tượng trộm cắp đã giả vờ viếng đình, chùa, miếu, đền thờ để trộm tiền công đức, các đồ vật phục vụ việc thờ tự, hoặc đột nhập nhà dân trộm đồ thờ cúng để bán lấy tiền tiêu xài, gây bức xúc trong dư luận.

VÀO TẬN ĐỀN, MIẾU LẤY TRỘM

Ngày 23/3, Công an huyện Đất Đỏ đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Võ Văn Chiến (SN 1981, quê Quảng Ngãi) cùng vợ là Đoàn Thị Cẩm Vân (SN 1981, ngụ TP.Hồ Chí Minh) về hành vi trộm cắp tài sản. Theo hồ sơ vụ án, vợ chồng Chiến - Vân mướn phòng trọ tại TP.Vũng Tàu để làm thuê. Do không có công việc ổn định nên sáng ngày 10/3, vợ chồng Chiến - Vân bàn nhau ra Bình Thuận tìm việc làm. Khi đi đến TT. Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, cả hai vào Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu thắp hương và ngồi nghỉ trong khuôn viên đền thờ. Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, lợi dụng lúc vắng người, vợ chồng Chiến - Vân đã trộm 1 lư hương bằng đồng chạm khắc kỳ lân, rồng, phượng tinh xảo trị giá khoảng 7 triệu đồng tại đền thờ rồi tẩu thoát.

Đến cuối buổi chiều ngày 10/3, Chiến và Vân đi xe máy mang chiếc lư đồng lên TP.Hồ Chí Minh dự định để bán. Nhưng khi đến phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vào tối cùng ngày, gặp lúc lực lượng Công an phường Long Bình Tân và CLB phòng chống tội phạm phường này trong quá trình tuần tra, phát hiện Chiến điều khiển xe máy biển số 72K1-2408 chở theo Vân, có nhiều biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng lại kiểm tra. Lúc này, hai đối tượng không xuất trình được giấy đăng ký xe. Kiểm tra cốp xe, lực lượng tuần tra phát hiện một chiếc lư hương bằng đồng. Qua khai thác, hai đối tượng khai nhận, vừa trộm chiếc lư hương bằng đồng tại đền thờ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu ở huyện Đất Đỏ. Ngày 11/3, Công an phường Long Bình Tân đã bàn giao vợ chồng Chiến - Vân cùng tang vật cho Công an huyện Đất Đỏ xử lý theo thẩm quyền.

Vợ chồng Võ Văn Chiến và Đoàn Thị Cẩm Vân cùng tang vật lư hương bằng đồng lấy trộm tại đền thờ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu ở huyện Đất Đỏ.
Vợ chồng Võ Văn Chiến và Đoàn Thị Cẩm Vân cùng tang vật lư hương bằng đồng lấy trộm tại đền thờ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu ở huyện Đất Đỏ.

Tiền công đức ở các nơi thờ tự cũng là “miếng mồi ngon” cho kẻ xấu. Đơn cử, ngày 19/4/2019, Công an huyện Côn Đảo đã bắt giữ, xử lý 4 đối tượng thanh niên từ tỉnh Sóc Trăng đi tàu ra Côn Đảo thực hiện vụ trộm tiền công đức tại di tích miếu Bà Phi Yến. Theo hồ sơ, sau khi lấy sạch số tiền trong thùng công đức, cả bọn vứt thùng xuống ao nước ở khu An Hải. Sau đó, các đối tượng đem tiền lẻ đến một phòng giao dịch ngân hàng ở Côn Đảo để đổi lấy tiền chẵn, rồi ra bến cảng đón tàu trở về đất liền. Phát hiện nhóm thanh niên có biểu hiện nghi vấn, nhân viên ngân hàng liền thông tin cho Công an huyện Côn Đảo. Tiếp đó, cơ quan Công an nhận tin báo mất tài sản từ Ban quản lý miếu Bà Phi Yến, nên đã triển khai lực lượng xác minh, truy bắt, phát hiện 4 đối tượng đang lên tàu nên mời về trụ sở làm việc. Tại cơ quan Công an, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Các món đồ vật phục vụ thờ cúng cũng là loại tài sản bọn trộm cắp thường “khua khoắng” khi đột nhập vào nhà dân. Điển hình như, tháng 7/2018, Công an huyện Đất Đỏ đã triệt phá một nhóm đối tượng chuyên trộm đồ thờ cúng của nhà dân để bán lấy tiền mua ma túy, gồm: Nguyễn Minh Châu (SN 1998), Nguyễn Văn Tự (SN 1995) và Đồng Anh Kiệt (SN 1994, cùng trú huyện Đất Đỏ). Trước đó, Công an huyện Đất Đỏ nhận được tin báo về việc nhà bà Nguyễn Thị Bé (TT. Đất Đỏ) bị kẻ trộm đột nhập lấy đi 1 tượng Phật Quan âm, 2 chân đèn, 1 đế kê bát hương, 1 khánh thờ bài vị; tương tự, nhà ông Mai Quốc Hòa (TT. Đất Đỏ) cũng bị trộm 2 bộ lư hương bằng đồng, 4 chân nến bằng đồng đang đặt ở vị trí thờ cúng của ngôi nhà. Công an huyện Đất Đỏ đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ điều tra, truy bắt được các đối tượng trên và xử lý theo quy định của pháp luật.

CHÚ TRỌNG BIỆN PHÁP BẢO VỆ

Một điều tra viên Công an huyện Đất Đỏ cho biết, trước khi gây án, các đối tượng thường đóng giả vai người vào đền, chùa… dâng hương, tham quan các nơi thờ tự để tìm hiểu giờ giấc sinh hoạt, đi lại của người quản lý, trông coi ở đây, rồi đợi nửa đêm hoặc gần sáng mới đột nhập, ra tay. Hơn nữa, bọn trộm chủ yếu là đối tượng vãng lai, không có nghề nghiệp ổn định, nghiện ma túy, nên việc phân loại đối tượng gặp nhiều khó khăn. Đối với số tiền cúng dường, tiền công đức do người dân đóng góp tại các nơi thờ tự bị mất thì việc xác định rất khó, bởi thực tế số tiền này chưa được kiểm đếm, trong khi việc này liên quan đến vấn đề định tội, áp dụng khung hình phạt đối với đối tượng trộm cắp.

Nhằm ngăn ngừa mất trộm đồ thờ cúng, các địa điểm thờ tự cộng đồng ngoài việc xây dựng tường rào bảo vệ, khóa cửa chắc chắn, thì cần có người trông coi, lực lượng bảo vệ ban đêm hoặc lắp đặt hệ thống camera an ninh để theo dõi, giám sát các hoạt động trong khuôn viên, đặc biệt là ở vị trí có tài sản trị giá cao. Khi phát hiện đối tượng khả nghi, cần kịp thời báo cho cơ quan Công an địa phương kiểm tra, xử lý. Việc chủ động ngăn ngừa tội phạm trong các đình, chùa, nhà thờ… không chỉ để bảo vệ an toàn tài sản cộng đồng, mà còn bảo đảm sự tôn nghiêm nơi thờ tự, sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN

.
.
.