.

Cần nâng cao kiến thức cho lao động trên biển

Cập nhật: 20:33, 09/03/2020 (GMT+7)

Do đặc thù lao động trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, tai nạn trên biển (TNTB) xảy ra với ngư dân trên tàu cá vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và ảnh hưởng hoạt động sản xuất của ngư dân. Đây là vấn đề cần được các cơ quan chức năng, chủ tàu tiếp tục quan tâm, thực hiện các giải pháp hữu hiệu hơn để giảm thiểu các vụ TNTB. 

Lực lượng BĐBP tuyên truyền cho ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền nâng cao nhận thức bảo đảm an toàn lao động trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển.
Lực lượng BĐBP tuyên truyền cho ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền nâng cao nhận thức bảo đảm an toàn lao động trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển.

MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG NGUY HIỂM

Ngoài những rủi ro bất khả kháng như sóng to, giông bão, lốc xoáy, sét đánh… gây nguy hiểm cho tàu cá, trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển, ngư dân còn gặp những tình huống dễ bị tổn hại sức khỏe hoặc tử vong trong khi lao động trên biển, như: va đập lúc lặn xuống biển sửa chữa chân vịt, bánh lái tàu gặp sự cố; lưới quấn vào chân lôi xuống biển; ngộ độc khí hầm cá; bị úp thuyền thúng khi đang đánh lưới; bị chấn thương do té vào máy tàu khi đang châm dầu, nhớt cho máy; trượt ngã trên sàn tàu gây chấn thương; rơi xuống biển mất tích… 

Anh Nguyễn Văn Phúc (SN 1987, quê Phú Yên), thuyền viên tàu cá BV 93986 TS kể lại vụ TNTB của anh: Chiều 11/2, tàu BV 93986 TS đang đánh bắt hải sản tại khu vực vùng biển DK1 trong điều kiện thời tiết xấu, sóng lớn làm tàu lắc mạnh. Do đứng không vững trên sàn tàu, cùng với việc thiếu tập trung nên tay trái của anh Phúc bị kẹt vào tời kéo lưới làm dập 3 đốt ngón tay trái, máu chảy nhiều. Khi nhận được tin báo của thuyền trưởng tàu cá BV 93986 TS có vụ tai nạn, tàu KN 267 - Chi đội Kiểm ngư số 2 đang làm nhiệm vụ trên biển nhanh chóng tiếp cận để cứu nạn. Nhờ vậy, anh Phúc được chăm sóc y tế kịp thời và đưa vào bờ tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa. 

Trước đó, chiều 1/2, tại khu vực cách mũi Vũng Tàu khoảng 2 hải lý về hướng Nam, ông Nguyễn Văn Linh (SN 1972, ngụ tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu BV 92373 TS phát hiện 2 thuyền viên N.T.L. (SN 1968, ngụ tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền) và N.V.C. (SN 1975, ngụ tại xã Phước Tỉnh) không có mặt trên tàu cá. Đến sáng 3/2, một tàu cá khác đã phát hiện và vớt được xác thuyền viên L, còn thuyền viên C. mất tích. Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, có thể 2 thuyền viên này bất cẩn nên bị rơi xuống biển. Vụ việc đang được tiếpp tục điều tra, làm rõ.

Một vụ TNTB do ngộ độc khí hầm cá xảy ra vào ngày 20/1/2019, khi tàu BV 99986TS đang đánh bắt hải sản tại khu vực cách mũi Vũng Tàu khoảng 23 hải lý về hướng Đông Đông Nam, 4 thuyền viên trên tàu cá này đã bị bất tỉnh do bị ngạt khí độc trong hầm cá. Sau khi tiếp nhận thông tin yêu cầu cứu nạn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam điều động tàu SAR 413 khẩn cấp ra hiện trường. Khi tàu SAR 413 tiếp cận tàu cá, 2 thuyền viên đã tử vong, 2 thuyền viên còn lại nhanh chóng được đưa vào bờ và chuyển đến cấp cứu tại bệnh viện. Nhờ cứu nạn kịp thời, 2 thuyền viên này nhanh chóng hồi phục sức khoẻ.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tàu SAR 413 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III tiếp nhận, sơ cứu và đưa vào bờ cấp cứu ngư dân M.V.T. (SN 1977, ngụ TP.Vũng Tàu) bị bỏng nặng do sự cố cháy hầm máy trên tàu cá BV 4517TS vào ngày 24/6/2019. Ảnh: NGỌC GIANG
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tàu SAR 413 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III tiếp nhận, sơ cứu và đưa vào bờ cấp cứu ngư dân M.V.T. (SN 1977, ngụ TP.Vũng Tàu) bị bỏng nặng do sự cố cháy hầm máy trên tàu cá BV 4517TS vào ngày 24/6/2019. Ảnh: NGỌC GIANG

DO THIẾU KỸ NĂNG, CHỦ QUAN LƠ LÀ

Ngư dân Nguyễn Văn Phúc, thuyền viên tàu cá BV 93986 TS, bày tỏ: “Làm việc trên tàu cá thường xuyên đối mặt với sóng to, gió lớn, không gian lao động chật chội, tiếp xúc với các loại máy móc, thiết bị kém an toàn... nên tai nạn rất dễ xảy ra nếu thuyền viên làm việc không cẩn thận, thiếu tập trung”.

Ông Nguyễn T.N. một chủ tàu cá ở xã Phước Tỉnh (đề nghị không nêu tên) cho biết, nguồn lao động đi biển chuyên nghiệp tại chỗ luôn thiếu hụt, nên nhiều chủ tàu buộc phải thuê lao động phổ thông từ các địa phương khác, chưa được đào tạo, lại không phải dân vùng biển nên thiếu kỹ năng đi biển. Thậm chí, nhiều trường hợp không biết bơi, hoặc bơi rất kém nên khi gặp sự cố rất khó để xử lý. 

Đại tá Đào Quang Hiển, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, nhận định: Ngoài yếu tố khách quan do biến đổi khí hậu, thời tiết làm cho tàu cá bị chìm do phá nước thì các vụ việc TNTB xảy ra thời gian gần đây do nhiều thuyền viên hạn chế kỹ năng đi biển, khả năng bơi lội kém; trên tàu có trang bị áo phao, vật dụng bảo hộ lao động nhưng chủ quan không sử dụng...

CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TAI NẠN

Hơn 40 năm gắn bó với nghề biển và hiện là chủ tàu rưới rê BV 97279 TS, bà Nguyễn Thị Hoài Trinh (SN 1960, ngụ tại phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) chia sẻ: “Tôi luôn dặn dò thuyền trưởng, anh em thuyền viên phải thật cẩn trọng trong các thao tác khi lao động, sinh hoạt trên tàu cá. Thà làm chậm một chút cũng được, miễn sao bảo đảm an toàn cho bản thân và phương tiện”.

Khi xảy ra TNTB, trước tiên, ngư dân phải thực hiện phương châm “tự cứu lấy nhau”. Đồng thời, phát thông tin cấp cứu, nêu rõ vị trí xảy ra tai nạn qua kênh phòng chống lụt bão của đài thông tin duyên hải và của BĐBP để lực lượng chức năng có biện pháp ứng cứu kịp thời. “Trong trường hợp bị tai nạn quá cách xa bờ, ngoài việc tiến hành sơ cứu ban đầu, thuyền trưởng cần đưa người bị nạn vào đảo gần nhất có cơ sở y tế để chăm sóc, chữa trị kịp thời. Sau đó, tùy theo tình trạng nạn nhân để di chuyển vào bờ tiếp tục điều trị”, Đại tá Đào Quang Hiển nhấn mạnh.

Theo các bác sỹ quân y BĐBP tỉnh, ngộ độc khí hầm cá là TNTB dễ xảy ra với ngư dân. Vì vậy, sau chuyến biển hầm không chứa cá, ngư dân cần phải mở cửa hầm, tiến hành thông gió và hút nước đọng dưới đáy hầm. Trong chuyến đi biển, khi hầm đang chứa cá thì lúc mở nắp hầm, ngư dân không được cúi đầu xuống miệng hầm đề phòng khí bốc lên gây ngộ độc. Tiếp đó, cần kiểm tra nồng độ khí độc trong hầm bằng cách thả ngọn đèn dầu, đèn cầy xuống hầm, nếu đèn tắt thì chắc chắn dưới hầm có lượng khí độc nhiều, lượng khí oxy không đủ để người lao động hô hấp. Sau khi đã thông gió khoảng 15-20 phút, thuyền trưởng chỉ nên cho một người xuống hầm, nếu thấy an toàn thì mới cho người kế tiếp xuống. Đồng thời, phân công người trực cảnh giới trên miệng hầm để sẵn sàng ứng cứu. Trong quá trình làm việc dưới hầm cá, ngư dân cần mang đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí cả tính mạng.

Theo thống kê của BĐBP tỉnh: Năm 2019, trên vùng biển BR-VT xảy ra 128 vụ TNTB khiến 43 người chết, 34 người mất tích, 9 người bị thương, 17 phương tiện chìm, 3 phương tiện trôi dạt, 1 phương tiện bị phá nước; cứu nạn, cứu hộ an toàn 12 vụ/61 người. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, trên vùng biển BR-VT đã có 5 vụ TNTB làm 5 thuyền viên thiệt mạng, 1 thuyền viên mất tích. 

Đại tá Đào Quang Hiển cho biết, thời gian tới, BĐBP tỉnh tiếp tục phối hợp với các ban, ngành địa phương, lực lượng chức năng nắm chắc tình hình thời tiết, số lượng tàu hoạt động trên vùng biển, tình hình xảy ra va chạm, tai nạn… để có phương án tìm kiếm, cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại do tai nạn gây ra. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các đồn, trạm Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức về bảo đảm an toàn cho ngư dân khi lao động trên biển; kiên quyết không cho xuất bến đối với các trường hợp không đủ trang thiết bị bảo đảm an toàn, không đủ giấy tờ hợp lệ về các điều kiện hoạt động trên biển của phương tiện.

Đồng thời, BĐBP tỉnh cũng tiếp tục phối hợp với Sở NN-PTNT tham mưu cho UBND cấp huyện, xã vận động ngư dân tiếp tục tham gia tổ đoàn kết đánh bắt trên biển nhằm nâng cao khả năng, năng lực đánh bắt hải sản cũng như hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi có tình huống xảy ra trên biển. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 341 tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển với 2.319 tàu cá và 2.137 thành viên. Các tàu nên đi đánh bắt theo cặp, theo tổ đội đoàn kết.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

.
.
.