Tình trạng người vừa điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông vừa sử dụng điện thoại, hay vừa đeo tai nghe nhạc rất phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, người sử dụng điện thoại khi lái xe có nguy cơ gây ra tai nạn cao gấp 4 lần so với bình thường.
Một trường hợp người điều khiển xe máy nghe điện thoại di động trên đường 30/4, TP.Vũng Tàu. |
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp vì mải sử dụng điện thoại để nói chuyện, nhắn tin, hay đeo tai nghe tập trung vào nội dung của nhạc khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường nên thiếu quan sát, không kịp thời xử lý tình huống bất ngờ dễ xảy ra tai nạn. Anh Nguyễn M.T. (SN 1999, ngụ đường Đồ Chiểu, TP.Vũng Tàu) kể: Ngày mùng 5 Tết vừa qua, anh T. chạy xe máy trên đường Ba Cu, TP.Vũng Tàu, bỗng dưng chuông điện thoại reo, vì có việc gấp nên anh T. không dừng xe mà vẫn tiếp tục điều khiển xe máy bằng 1 tay, còn tay kia cầm điện thoại nói chuyện. Do mất tập trung khi sử dụng điện thoại, nên xe máy của anh T. đâm vào phía sau một xe ô tô đang dừng bên đường, khiến anh và xe máy ngã xuống đường.
Vụ va chạm trên không gây hư hại gì cho xe ô tô, nên chủ xe cự nự anh T. vài câu rồi bỏ đi. “Chỉ vì nghe một cuộc điện thoại mà khiến tôi té ngã xây xước người, còn xe máy bị gãy phuộc trước phải sửa mất gần 1 triệu đồng. Từ nay, nếu đi xe mà có cuộc gọi thì tôi sẽ dừng xe lại sát bên lề đường để trả lời, tránh nguy hiểm đến tính mạng và hư hỏng tài sản”, anh T. rút kinh nghiệm.
Ông Lưu Ngọc Tôn (ngụ phường 10, TP.Vũng Tàu) cho hay, do công việc làm ăn, ông thường đi trên các chuyến xe khách 15 chỗ ngồi tuyến TP.Vũng Tàu - TP.Hồ Chí Minh và ngược lại. “Hầu như tài xế nào khi đang điều khiển xe cũng đều sử dụng điện thoại để thông tin đón khách, giao hàng, trao đổi thông tin với bộ phận quản lý của hãng xe, hoặc giữa các tài xế với nhau. Việc nghe điện thoại của tài xế trong khi xe di chuyển với tốc độ cao sẽ dễ xảy ra tai nạn, uy hiếp sự an toàn của hành khách”, ông Tôn nhận định.
Người điều khiển xe máy nghe điện thoại di động như thế này vẫn thường bắt gặp trên đường phố. |
Theo ông Nguyễn Xuân Trạch, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh, thống kê của WHO cho thấy, người sử dụng điện thoại khi lái xe có nguy cơ gây ra tai nạn cao gấp 4 lần so với bình thường. Việc sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khiến người lái phân tâm, dễ gây ra tai nạn. Tương tự, dùng thiết bị đeo tai nghe nhạc khi điều khiển phương tiện cũng khiến người lái mất tập trung, hạn chế việc lắng nghe, quan sát khi lưu thông trên đường. Vì vậy, các hành vi này đều tiềm ẩn nhiều rủi ro về ATGT.
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP: Xử phạt tiền từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với người sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy (Nghị định số 46/2016/NĐ-CP chỉ xử phạt 100-200 ngàn đồng). Xử phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe ô tô chạy trên đường (Nghị định số 46/2016/NĐ-CP chỉ xử phạt 600-800 ngàn đồng). |
Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (PC08) - Công an tỉnh cho biết, trong thời gian tới, lực lượng CSGT Công an tỉnh và Công an các địa phương sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, thực hiện chuyên đề xử lý các trường hợp đeo tai nghe, sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông; xử phạt nghiêm hành vi này theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP và có mức xử phạt tăng nặng hơn.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG