Nhiều trường hợp bị cản trở khi mở lối đi ra hẻm

Thứ Năm, 06/02/2020, 20:10 [GMT+7]
In bài này
.

Qua đường dây nóng Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, một số người dân phản ánh, sau khi tách thửa và xây dựng nhà trên phần đất hợp pháp, họ không có lối đi riêng nên xin mở lối đi ra hẻm chung, nhưng bị người dân trong hẻm cản trở. Phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã tìm hiểu sự việc.

Ông Nguyễn Hồng Tường mở lối đi ra hẻm 53/1, Lê Hồng Phong, phường 7, TP.Vũng Tàu  nhưng bị một số người dân trong hẻm cản trở.
Ông Nguyễn Hồng Tường mở lối đi ra hẻm 53/1, Lê Hồng Phong, phường 7, TP.Vũng Tàu nhưng bị một số người dân trong hẻm cản trở.

Ông Nguyễn Hồng Tường (47C, Lê Hồng Phong, phường 7, TP.Vũng Tàu) cho biết, khoảng 10 năm trước, ông được cha mẹ cho thửa đất diện tích 80m2, trên đất có căn nhà cấp 2, đã được UBND TP.Vũng Tàu cấp giấy CNQSD đất. Thửa đất của ông Tường chỉ có một mặt tiếp giáp với đường giao thông công cộng tại hẻm 53/1, Lê Hồng Phong, phường 7. Ban đầu, ông không mở lối đi ra hẻm 53/1, Lê Hồng Phong theo sơ đồ vị trí và giấy phép xây dựng được cấp, mà đi tạm trên phần đất chung của cha mẹ ông ở số 47, Lê Hồng Phong để ra đường giao thông chính.

Tuy nhiên, thửa đất có lối đi chung của cha mẹ ông Tường sau này đã được chuyển nhượng cho người khác, từ đó, nhà ông Tường không còn lối đi như cũ. Ông đã làm đơn kiến nghị UBND phường 7 cho phép mở lối đi ra hẻm 53/1, Lê Hồng Phong. Tuy nhiên, một số hộ dân trong hẻm đã cản trở yêu cầu này của gia đình ông Tường. Trong các buổi hòa giải giữa các hộ dân và ông Tường do UBND phường 7 tổ chức, đa số hộ ở đây chỉ đồng ý cho ông mở lối đi với điều kiện phải lùi diện tích xây dựng vào 1m để thuận tiện cho việc đi lại. “Các hộ dân yêu cầu nhà tôi phải lùi vào 1 mét mới cho mở lối đi là không hợp lý. Bởi, phần đất này là tài sản hợp pháp của gia đình tôi. Đề nghị, chính quyền địa phương có giải pháp hữu hiệu, bảo đảm lối đi cho gia đình tôi ra hẻm công cộng”, ông Tường kiến nghị.

Tương tự, bà Nguyễn Ái Chơn (nhà số 100/12/21, Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam) cho hay, gia đình bà có căn nhà diện tích 152m2, đã được cấp giấy CNQSD đất, nhưng chỉ có một mặt duy nhất tiếp giáp và nằm cuối hẻm 98, Xô Viết Nghệ Tĩnh. Thời gian qua, một số hộ dân mua đất trong hẻm này đã xây tường bít phần cửa ra vào nhà bà Chơn, khiến gia đình bà phải sử dụng lối đi tạm ra hẻm 100, Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bà Chơn đã có đơn gửi UBND phường Thắng Tam về việc cho phép phá bức tường để có lối đi, đồng thời cam kết giữ vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, không làm ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại hẻm 27, Yên Bái, phường 4; hẻm 107, Bình Giã, phường 8 cũng xảy ra tình trạng tương tự như trường hợp ông Tường và bà Chơn khi một số người dân trong hẻm không cho hộ dân có nhu cầu mở lối đi ra hẻm chung với lý do việc mở lối đi này ảnh hưởng đến việc sử dụng hẻm, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; những người mở lối đi ra hẻm phải đóng góp kinh phí vì trước đây các hộ dân trong hẻm đã phải đóng góp tiền để cải tạo đường hẻm.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Hùng Cường, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu, khẳng định: “Các hẻm nêu trên là đất giao thông do Nhà nước quản lý. Việc mở lối đi ra hẻm của các trường hợp không có lối đi riêng là phù hợp quy định pháp luật hiện hành và thực tế quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, các trường hợp mở lối đi ra hẻm cũng cần bảo đảm các yếu tố về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến hộ dân lân cận”.

Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, đối với các hộ dân không có lối đi riêng, có kiến nghị xin mở lối đi ra hẻm công cộng là đất giao thông do Nhà nước quản lý, UBND thành phố đã yêu cầu UBND các phường liên quan tổ chức đối thoại, giải thích cho người dân trong khu vực hiểu về quy định pháp luật liên quan đến quyền về lối đi. 

Bài, ảnh: TRÀ PHƯƠNG 

 
;
.