Luật Phòng chống tác hại rượu, bia: Đồng thuận ngay từ những ngày đầu có hiệu lực

Chủ Nhật, 05/01/2020, 20:26 [GMT+7]
In bài này
.

Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Đây được xem là biện pháp nhằm góp phần hạn chế tác hại của việc lạm dụng rượu, bia, có thể gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân người sử dụng, gia đình và cộng đồng xã hội. 

Lực lượng CSGT Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông tại ngã ba đường Nguyễn Tất Thành và QL51 đoạn qua khu vực TP.Bà Rịa.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông tại ngã ba đường Nguyễn Tất Thành và QL51 đoạn qua khu vực TP.Bà Rịa.

NGƯỜI DÂN ĐỒNG TÌNH

Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong những năm qua, trên lĩnh vực ATGT đường bộ, có đến hàng trăm vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh liên quan tới việc người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Vì vậy, khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (PCTHRB) có quy định “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” và Nghị định 100/2019/NĐ-CP (trong đó, quy định xử phạt tăng nặng hành vi điều khiển phương tiện mà có độ cồn trong máu, khí thở) có hiệu lực, người dân rất đồng tình ủng hộ.

Ông Nguyễn Tiến Dũng (khu đồi 2, phường 10, TP.Vũng Tàu) chia sẻ: “Tôi rất tán thành việc tăng mức xử phạt nặng đối với các trường hợp uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Bởi, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ nguyên nhân lái xe điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia”. Tương tự, bà Trần Thị Hồng Thảo (phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa) cho rằng, với mức xử phạt tăng nặng, tăng thời gian tước giấy phép lái xe đối với người vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện là hoàn toàn hợp lý, sẽ giảm thiểu các vụ TNGT liên quan tới rượu, bia.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông tại ngã 3 đường Nguyễn Tất Thành và QL51 đoạn qua khu vực TP.Bà Rịa. Ảnh: TRÍ NHÂN
Lực lượng CSGT Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông tại ngã 3 đường Nguyễn Tất Thành và QL51 đoạn qua khu vực TP.Bà Rịa.

Đối với các cơ sở kinh doanh rượu, bia, hầu hết đều đã nắm được các quy định của Luật PCTHRB, một số cơ sở đã nhanh chóng có những điều chỉnh thích ứng. Bà Tống Thị Ngọc Loan, chủ cơ sở kinh doanh rượu Rumba (89C đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 4, TP.Vũng Tàu) cho biết, qua phương tiện thông tin đại chúng, bà đã nắm được những nội dung cơ bản của Luật PCTHRB. Trong đó, luật có quy định cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh. “Như vậy, các cơ sở có kinh doanh sản phẩm rượu, bia phải có trách nhiệm trong việc ngăn ngừa hành vi sử dụng rượu, bia ở nhóm đối tượng bị nghiêm cấm uống rượu, bia là người chưa đủ 18 tuổi. Cơ sở của tôi đã niêm yết công khai quy định này trước cửa hàng”, bà Loan cho hay.

Các DN kinh doanh vận tải cũng đồng tình ủng hộ việc triển khai thi hành Luật PCTHRB, cũng như Nghị định 100/NĐ-CP. Bà Võ Thị Thu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Minh Phúc (180 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) cho biết, DN thường xuyên có các phương tiện vận tải hành khách tuyến đường dài đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho hành khách là việc mà DN quan tâm hàng đầu. DN cũng đã ra thông báo nghiêm cấm lái xe, phụ xe uống rượu, bia khi thực hiện việc chở khách, cũng như không được hút thuốc lá trên xe. “Hành khách phát hiện sai phạm của lái xe, phụ xe về quy định này, hãy nhắn tin vào số điện thoại của công ty: 0913738368 - 0902.311.699. Qua xác minh, chúng tôi sẽ xử lý vi phạm của tài xế, phụ xe theo quy chế của công ty”, bà Thu cho biết. 

Cơ sở kinh doanh rượu Rumba (89C đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 4, TP.Vũng Tàu) niêm yết giá bán công khai các mặt hàng rượu.
Cơ sở kinh doanh rượu Rumba (89C đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 4, TP.Vũng Tàu) niêm yết bảng thông báo không bán rượu, bia cho trẻ em dưới 18 tuổi.

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀU KHẮP

Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng Phòng CSGT (PC08) - Công an tỉnh cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã đánh dấu bước tiến mới trong việc tăng nặng mức xử lý đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Từ đó, tăng trách nhiệm của mọi người đối với cộng đồng xã hội khi tham gia giao thông. Thời gian tới, bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nồng độ cồn, Phòng PC08, các đội CSGT và Trật tự công an các địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân nhận thức rõ hơn sự nguy hiểm của hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia.

Ông Vũ Đông Hòa, Cục Phó Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, triển khai Kế hoạch số 385/KH-BCĐ 389 (ngày 24/12/2019) của Ban chỉ đạo 389/ĐP về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết nguyên đán Canh Tý 2020, Cục quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh rượu, bia về niêm yết giá bán, xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa... “Đây cũng là biện pháp góp phần triển khai thực hiện Luật PCTHRB, quy định tại Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm trong PCTHRB. Trong đó có hành vi kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia”, ông Vũ Đông Hòa nêu rõ.

Ông Đỗ Thành Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Bến xe tỉnh BR-VT cho hay, bình quân mỗi ngày có hơn 500 xe xuất bến ở cả 2 đầu bến là: bến xe Vũng Tàu và bến xe Bà Rịa, với hơn 700 tài xế của hơn 80 DN vận tải chuyên chở khách đi các tuyến có cự ly từ 300km trở lên. Vì vậy, Công ty đã yêu cầu các DN kinh doanh vận tải hành khách phổ biến cho tài xế, phụ xe nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật giao thông và thực hiện đúng quy định của Luật PCTHRB. 

Nghị định số 100/NĐ-CP (thay thế Nghị định 46/NĐ-CP) có hiệu lực từ 1/1/2020, đã tăng mức xử phạt đối với xe ô tô tối đa từ 16-18 triệu đồng của Nghị định 46/NĐ-CP lên mức 30-40 triệu đồng; đối với xe mô tô tối đa từ 3-4 triệu đồng lên mức 6-8 triệu đồng; đối với người đi xe đạp, theo Nghị định 46/NĐ-CP không bị xử phạt hành vi này thì nay cũng sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng. Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm, người điều khiển phương tiện (ô tô, mô tô, xe máy chuyên dùng…) có thể bị tước giấy phép lái xe tới 24 tháng.
---------------------------
Nồng độ cồn trong rượu, bia làm ức chế thần kinh, làm đình trệ và gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Khi lạm dụng rượu bia, các chức năng của não như sự phán đoán, tính tự chủ, ý thức về đạo đức hoàn toàn bị ức chế. Khi đó, người uống rượu sẽ khó kiểm soát hành vi, không thận trọng trong cử chỉ và lời nói, không biết phân biệt đúng sai. Từ đó, dẫn đến những hậu quả khôn lường như bất cẩn do bị rượu kích thích liều lĩnh không kiềm chế trước các tình huống nguy hiểm có thể gây ra TNGT; có hành vi gây gổ, chửi bới, đánh đập, chém giết... Sử dụng rượu, bia thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, sẽ dẫn tới loạn thần, tổn thương não. Vì vậy, mọi người nên hạn chế sử dụng rượu, bia để phòng tránh các tác hại do rượu, bia gây ra.
(Bác sĩ Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh) 

Theo ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT, Phó Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, mặc dù TNGT trên địa bàn tỉnh năm 2019 đã được kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương. Tuy nhiên, thực tế tình hình trật tự ATGT vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT, trong đó vẫn còn một số bộ phận người dân sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Năm an toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe” đặt mục tiêu trong việc tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí. “Do đó, đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền ATGT. Trong đó, chú trọng đến việc tuyên truyền Luật PCTHRB và Nghị định 100/2019/NĐ-CP nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên”, ông Trần Thượng Chí nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN, PHÚC MINH

;
.