Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) để lại hậu quả rất nặng nề. Nỗi đau mang tên TNGT cứ âm ỉ, kéo dài, khó thể nào bù đắp cho cả nạn nhân và gia đình họ. Đây cũng là lời cảnh tỉnh, nhắc nhở mọi người phải luôn cẩn trọng khi tham gia giao thông.
Đại diện Ban ATGT tỉnh thăm hỏi và tặng quà cho ông Nguyễn Hoàng Kiếm - nạn nhân bị TNGT có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa. |
Những ngày cuối tháng 11, nhân “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT”, chúng tôi đã đi cùng đoàn công tác Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đến thăm, tặng quà cho các nạn nhân bị TNGT đang điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa và gia đình có người thân bị tử vong vì TNGT. Tiếp xúc với họ, chúng tôi mới cảm nhận được những nỗi đau không thể bù đắp, cũng như những khó khăn, vất vả mà các bậc làm cha, làm mẹ, những người vợ, người chồng, người con phải chịu đựng trước những tổn thất cả về tinh thần và kinh tế mà TNGT để lại cho gia đình.
Khuôn mặt còn hằn các vết xước, thi thoảng lại nhăn nhó vì đau do chân trái bị gãy trong vụ TNGT, ông Nguyễn Hoàng Kiếm (43 tuổi, ngụ huyện Đất Đỏ, đang điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, ông là con thứ 6 trong gia đình có 7 anh chị em. Chưa lập gia đình riêng nên ông Kiếm ở với cha mẹ già. Chiều muộn 19/11, sau ngày làm việc vất vả, ông đi chợ mua thức ăn về nấu cơm cho cha mẹ. Khi đang đi sang Quốc lộ 55 đoạn qua xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ thì ông bị chiếc xe máy cày tông trúng. “Khi tỉnh dậy trong Bệnh viện Bà Rịa, tôi mới biết mình bị gãy chân, người đầy vết xước, đau ê ẩm khắp cả mình. Nếu điều trị bình phục thì sau này sức khỏe của tôi chắc cũng bị giảm sút, sẽ ảnh hưởng đến việc làm lụng để kiếm tiền nuôi cha mẹ và bản thân”, ông Kiếm lo lắng.
Vụ TNGT xảy ra ngày 9/11, trên Quốc lộ 51 đoạn qua phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ giữa xe máy và xe tải khiến 1 người tử vong tại chỗ. |
Gần 1 năm trôi qua, nhưng anh Phạm Sĩ H. (SN 1988, trú tại phường 12, TP.Vũng Tàu) vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh 7/3, đã cướp đi sinh mệnh đứa con gái P.N.H.M. (SN 2015) của anh. Tối hôm đó, anh H. điều khiển xe máy chở vợ và 2 con gái lưu thông trên đường 2/9 xuống nhà người quen tại đường Lưu Chí Hiếu, TP.Vũng Tàu chơi. Khi đi đến trước nhà số 814, đường 2/9, vì mải nói chuyện với con gái nên anh H. lơ là, thiếu quan sát phía trước, khi nhận ra chiếc xe tải đang đậu trên làn đường xe máy thì đã quá muộn. Xe của anh H. đâm vào đuôi xe tải khiến cả 4 người văng ra đường. Do thương tích quá nặng, bé P.N.H.M đã mất sau khi được cấp cứu tại bệnh viện.
Những năm gần đây, mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí (số vụ, số người bị thương, số người chết), nhưng TNGT vẫn cướp đi mạng sống của nhiều người. Như trường hợp của em N.M.N. (SN 2003, HS Trường THPT Nguyễn Du, huyện Châu Đức). Cha em N. - ông Nguyễn Văn Tứ ứa nước mắt kể lại: Chiều ngày 13/9, vì trời mưa, N. được mẹ chở đến trường. Nhưng hôm đó nhà trường cho nghỉ học, nên N. được một người bạn chở về trên xe máy. Khi đến ngã tư đường Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo thuộc TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức, thì va chạm với xe ô tô 4 chỗ khiến em N. tử vong. Còn người bạn điều khiển xe máy bị thương nặng, gãy chân.
Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT, Phó Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết, hàng năm, vào thời điểm gần đến “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT”, Ban ATGT tỉnh đều tổ chức thăm hỏi, động viên nạn nhân và gia đình có người bị TNGT. Theo đó, trong tháng 11 năm nay, Ban ATGT tỉnh đã tổ chức đến thăm hỏi, động viên và tặng quà 32 trường hợp là các gia đình có người thân bị tử vong do TNGT và người bị TNGT.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 501 vụ TNGT, làm chết 213 người, bị thương 398 người. So với cùng kỳ năm trước, giảm 46 vụ, giảm 111 người bị thương, nhưng số người tử vong tăng lên 8 người. Ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 11 hàng năm là Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ (hay còn gọi là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT) trên toàn cầu. |
Những vụ TNGT là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của mỗi người thân, bạn bè, người bị nạn. Vì vậy, mỗi người phải luôn có ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về giao thông; đồng thời, tích cực tuyên truyền cho những người thân có ý thức và tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. “Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành cần quan tâm, hỗ trợ nạn nhân, những gia đình của các nạn nhân bị mất vì TNGT có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vượt lên nỗi đau để ổn định cuộc sống tốt hơn”, ông Trần Thượng Chí đề nghị.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN