.

Lạm dụng rượu, bia sẽ gây hệ lụy

Cập nhật: 19:16, 11/11/2019 (GMT+7)

Việc tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đã và đang được triển khai thực hiện nhằm góp phần thay đổi thói quen, hành vi của người dân trong sử dụng rượu, bia hợp lý, có kiểm soát, không gây ảnh hưởng tới an toàn giao thông, kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát việc sử dụng và sản xuất rượu, bia chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) - Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn lái xe tham gia giao thông trên Quốc lộ 51.
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) - Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn lái xe tham gia giao thông trên Quốc lộ 51.

TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Đức Hồng Hảo (SN 1993, ngụ quận 10, TP. Hồ Chí Minh) và chị Đặng Thị Hạnh (SN 1986, quê Trà Vinh, đã nhập quốc tịch Singapore) tại phiên tòa xét xử bị can Phạm Quang Huy về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” vào ngày 2/11 vừa qua. Chị Hảo và chị Hạnh là 2 nạn nhân may mắn sống sót trong vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra khoảng 1 giờ ngày 30/9/2018 trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.

Theo hồ sơ vụ án, Phạm Quang Huy sau khi dự tiệc sinh nhật đã có men rượu trong người, chạy xe ô tô 7 chỗ BKS 72A-257.76 chở 2 người bạn về trên Quốc lộ 55 hướng từ huyện Xuyên Mộc đi TP.Bà Rịa. Khi đến đoạn Km25+800, do không chú ý quan sát, Huy chạy xe ô tô lấn sang phần đường bên trái (phần dành cho xe đi chiều ngược lại) gây tai nạn với xe ô tô 4 chỗ biển số 51F-915.63, trên xe có 3 người đang lưu thông theo hướng ngược lại. Cú va chạm mạnh khiến 2 người trên xe biển số 51F-915.63 tử vong tại chỗ, những người còn lại đi trên 2 xe đều bị thương.

Với gương mặt bị biến dạng vì hậu quả vụ TNGT kể trên, chị Nguyễn Đức Hồng Hảo ngồi bần thần ở hàng ghế bị hại sau khi phiên tòa ngày 2/11 tạm hoãn. Chị Hảo buồn bã tâm sự với chúng tôi: “Sau vụ tai nạn, tôi đã mất đi công việc làm ăn lẫn người chồng vì ngoại hình không còn xinh đẹp như xưa. Bởi, khuôn mặt tôi biến dạng hoàn toàn, phải trải qua mấy lần phẫu thuật, hiện sức khỏe giảm sút”. Còn chị Đặng Thị Hạnh phải gắn phần đời còn lại trên xe lăn, do đôi chân bị thương tật sau vụ tai nạn. Nguyên nhân chỉ vì người gây ra tai nạn đã điều khiển ô tô sau khi sử dụng bia, rượu và không làm chủ được tay lái.  

Cũng vì rượu, bia mà có người phải đối mặt với trách nhiệm hình sự do hành vi của mình. Như trường hợp Lê Trịnh Anh Duy (SN 1980, HKTT: tỉnh Lâm Đồng) đã bị Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh khởi tố để điều tra về hành vi giết người. Theo điều tra ban đầu, Duy và anh Trần Hải Quân (SN 1993, HKTT: tỉnh Cà Mau) cùng thuê phòng trọ tại KP.Tân Phú, phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ. Khoảng 17 giờ ngày 23/10, Duy rủ anh Quân đi nhậu rồi 2 người trở về phòng trọ. Khi về đến phòng trọ, nhưng nghĩ lại thấy ghét thái độ của anh Quân trong cuộc nhậu trước đó, nên Duy đã dùng dao đâm nạn nhân một nhát vào ngực. Sau đó, Duy về phòng trọ của mình nói bạn cùng phòng chở anh Quân đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế TX.Phú Mỹ. Tiếp đến, anh Quân được chuyển đến Bệnh viện Bà Rịa, nhưng sáng hôm sau đã tử vong do vết thương quá nặng. 

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Bà Rịa cho hay, 10 tháng năm 2019, trong tổng số 8.200 ca nạn nhân TNGT đến cấp cứu tại bệnh viện thì có đến 3.307 trường hợp sử dụng rượu, bia (chiếm hơn 40%). Trung bình 80 ca cấp cứu do TNGT thì có đến 50 ca liên quan đến bia, rượu. Các bệnh nhân bị TNGT có sử dụng bia, rượu thường bị thương tích nặng hơn và thường để lại những di chứng nặng nề như bại não, liệt… chính họ đã tự tước đi tương lai của mình và trở thành gánh nặng cho gia đình.  

TĂNG NẶNG BIỆN PHÁP CHẾ TÀI

Luật  Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 tới đây có quy định “Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông”. Theo quy định này, dù là người điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp, xe thô sơ, thậm chí là xe ủi, xe lu, xe công nông… đều không được phép uống bất kỳ một chút rượu, bia nào. Đây cũng là một quy định được đại đa số người dân ủng hộ trong suốt quá trình lấy ý kiến xây dựng luật. 

Bộ GT-VT cũng đang tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, kết quả bước đầu lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ đều nhận được sự đồng thuận với những thay đổi chặt chẽ hơn; dự kiến mức xử phạt tối đa vi phạm nồng độ cồn với người đi xe đạp, xe thô sơ là 600 ngàn đồng; tăng xử phạt người đi xe mô tô, xe máy từ tối đa 4 triệu đồng lên 8 triệu đồng; tăng xử phạt người đi ô tô từ tối đa 18 triệu đồng lên tới 40 triệu đồng…

Tại Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại rượu bia vào ngày 16/10 vừa qua, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia thông tin, chủ đề ATGT năm 2020 là “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Theo đó, các cấp, các ngành, các địa phương tập trung trọng điểm vào tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; nâng cao năng lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông về phát hiện nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện; trang bị đầy đủ thiết bị kiểm tra nồng độ cồn…

Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho hay, ngày 25/10, UBND tỉnh đã có Văn bản số 10963/UBND-VP giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thi hành Luật Phòng, chống  tác hại của rượu, bia trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch tăng cường truyền thông, tổ chức các hội thi phòng chống tác hại của rượu, bia; xây dựng môi trường cơ quan không rượu bia… nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại để phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với cộng đồng, góp phần bảo đảm ATGT và an toàn trật tự xã hội.

Luật sư Vũ Anh Thao, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh cho biết, Điều 13 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Theo đó, người sử sụng rượu, bia điều khiển phương tiện gây TNGT nghiêm trọng hay có hành vi vi phạm pháp luật khác như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích… tùy theo mức độ, sẽ bị xử phạt tiền hoặc phạt tù như những người không có sử dụng bia, rượu thực hiện hành vi vi phạm.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

.
.
.