Cảm hóa, giáo dục phạm nhân bằng tình thương
Sáng 1/11, Trại giam Xuyên Mộc (Cục C10, Bộ Công an) tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân năm 2019. Dịp này, gần 100 phạm nhân chấp hành nghiêm nội quy của trại, phấn đấu học tập, lao động, cải tạo khá, tốt, đã có buổi gặp mặt đầy ắp yêu thương với những người thân của mình.
Phạm nhân Nguyễn Hoàng Khánh (SN 1995, tỉnh Kiên Giang) mừng rỡ trong ngày gặp lại mẹ. |
Lý Quốc Huy (SN 1981, quận 5, TP. Hồ Chí Minh) là một trong số các phạm nhân có mặt tại hội nghị gia đình phạm nhân năm 2019, có thời hạn chấp hành cải tạo 20 năm. Huy bị bắt, kết án tử hình năm 2000 về 2 tội giết người, cướp tài sản và sau đó, được Chủ tịch nước ân xá xuống chung thân. Tuy nhiên, do mâu thuẫn trong sinh hoạt tại trại giam, anh ta lại tiếp tục gây thương tích nặng cho phạm nhân khác và bị truy tố tội cố ý gây thương tích năm 2012; đón nhận thêm bản án chung thân mới. “Có chết mẹ cũng sẽ không bao giờ gặp mặt con nếu cứ sống và cải tạo như này” - đó là câu nói mà mẹ Huy đón nhận thông tin con mình tiếp tục phạm tội trong tù. Chính “Tối hậu thư” của mẹ cũng như sự động viên, giúp đỡ của cán bộ Trại giam Xuyên Mộc mà thời gian qua Huy đã có thêm động lực để cải tạo tiến bộ.
Chia sẻ với chúng tôi, Huy cho biết, cán bộ trại giam vừa là người quản lý cũng là người thầy đáng kính. Họ đã tạo điều kiện tốt nhất cho phạm nhân được gặp mặt cũng như những người có quá trình cải tạo khá, tốt được ăn cơm cùng gia đình tại nhà thăm gặp. Huy kể: “Nhiều hôm trong đêm trời mưa, bão, cán bộ trại đến từng phòng mang theo áo mưa, ôm bó chiếu che chắn cho chúng tôi khỏi lạnh. Hay những lúc sau giờ lao động, được các thầy động viên, chia sẻ mà các phạm nhân cảm thấy rất ấm lòng. Tôi nhớ mãi thời điểm mẹ lên thăm sau khi đã thấy con cải tạo tốt và đúng dịp sinh nhật của mẹ, các thầy đã tặng bánh kèm theo bó hoa chúc mừng. Có những lúc tôi đặt câu hỏi với các thầy vì sao đặt sự quan tâm cũng như niềm tin đối với tôi như vậy và nhận được câu trả lời là điều quan trọng nhất đối với mỗi người là chữ “Hiếu” và trong tôi có điều đó. Dù đã phạm sai lầm và phải trả giá, nhưng sau này khi trở về xã hội tôi sẽ cố gắng sửa sai để bù đắp lại công ơn của cha mẹ”, Huy nói.
Cũng phạm tội giết người và bị kết án 20 năm, chấp hành án tại Trại giam Xuyên Mộc được hơn 3 năm, phạm nhân Nguyễn Hoàng Khánh (SN 1995, tỉnh Kiên Giang) cho biết, cuộc sống của em trước khi phạm tội chỉ biết ỷ lại, dựa dẫm mà chưa một lần nhìn lại những vất vả, khó khăn mưu sinh hàng ngày của cha mẹ. Giờ đây nghĩ lại em thấy mình quá vô tâm, không biết trân trọng những gì mà các bậc sinh thành đã dành cho và phải trả giá cho sự ngông cuồng, thiếu suy nghĩ ấy là bằng những năm tháng tù tội. Gặp lại con tại hội nghị gia đình phạm nhân, bà Nguyễn Thị Mai (SN 1961) vừa mừng vừa tủi. Tủi vì có con trai nhưng lại phải sống sau song sắt, còn mừng vì con đã biết ăn năn, hối lối để cải tạo tốt. “Là người mẹ ai chẳng muốn con có chỗ đứng trong xã hội, nhưng nó mắc sai lầm và bị pháp luật trừng trị. Đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại, nhưng chuyện đã qua rồi, tôi luôn động viên con cố gắng cải tạo vì cuộc sống vẫn luôn rộng mở phía trước nếu như biết cách nỗ lực, vươn lên”, bà Mai tâm sự.
Năm 2019, Trại giam Xuyên Mộc đã đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 3 đợt cho 1.459 phạm nhân; giảm hết thời hạn còn lại cho 320 phạm nhân; giảm từ chung thân xuống 30 năm cho 5 phạm nhân. Đồng thời, đã làm thủ tục xét, đề nghị và tha tù truớc thời hạn có điều kiện cho 8 phạm nhân. |
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Luận, Phó Giám thị Trại giam Xuyên Mộc, hiện Trại giam đang quản lý, giáo dục, cảm hoá cho hơn 2 ngàn phạm nhân. Trong 10 tháng đầu năm 2019, Trại giam đã tổ chức cho 11.378 lượt phạm nhân thăm gặp thân nhân. Đặc biệt, đã tổ chức 215 lượt phạm nhân có quá trình cải tạo khá, tốt, được ăn cơm cùng gia đình tại nhà thăm gặp. Đây là một hình thức mới trong công tác giáo dục phạm nhân; được kết hợp giữa gia đình phạm nhân với trại giam nhằm tạo điều kiện cho gia đình và phạm nhân có thời gian gần gũi, động viên, an ủi, giúp họ an tâm hơn trong việc chấp hành án. Đa số phạm nhân đã phấn khởi, yên tâm chấp hành án; tỷ lệ xếp loại cải tạo kém trong 10 tháng đầu năm 2019 là 51 người (2,44%), giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều phạm nhân đã tự giác phấn đấu, thi đua chấp hành án phạt tù; tin tưởng vào chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và ra sức rèn luyện, sửa chữa lỗi lầm với mong muốn sống trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM