Sau hơn 3 năm triển khai Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa” trên địa bàn, lực lượng Thanh tra Giao thông (TTGT) tỉnh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm, nhưng việc áp dụng Nghị định này trên thực tế cho thấy đã phát sinh những khó khăn, bất cập.
Các phương tiện vi phạm quy định về giao thông đường thủy nội địa trên sông Mỏ Nhát (TX.Phú Mỹ) bị lực lượng Thanh tra Giao thông phát hiện, xử lý. |
CÁC VI PHẠM PHỔ BIẾN
Tỉnh BR-VT có 110km đường thủy nội địa, với hơn 60 cảng, bến thủy nội địa, 21 luồng sông, rạch có phương tiện thủy thường xuyên lưu thông như: sông Dinh, Thị Vải, Cỏ May, Cửa Lấp, Chà Và, sông Rạng, Mỏ Nhát… Hoạt động giao thông thủy nội địa góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn những rủi ro gây mất ATGT nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 132/2015/NĐ-CP, tình hình vi phạm quy định về luồng lạch, bến, bãi đã giảm nhiều, nhưng vẫn xảy ra các lỗi vi phạm phổ biến là chở hàng hóa vượt quá mớn nước an toàn của phương tiện, sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện hết hiệu lực… Qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng TTGT tỉnh đã phát hiện và lập biên bản xử phạt hơn 483 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy, với tổng số tiền xử phạt hơn 2,4 tỷ đồng; tạm giữ 12 phương tiện; tước giấy phép, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện từ 1-3 tháng 25 trường hợp.
Một số vụ vi phạm điển hình như: Ngày 1/10 vừa qua, Thanh tra Sở GT-VT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa đối với ông Bùi Văn Xê (người điều khiển phương tiện tàu TV-2999 trên sông Mỏ Nhát - TX.Phú Mỹ) với mức phạt 5 triệu đồng do vi phạm các lỗi: chở hàng hóa vượt mớn nước an toàn của phương tiện; điều khiển phương tiện vào, rời bến thủy nội địa khi chưa được phép của Cảng vụ đường thủy nội địa. Trước đó, Thanh tra Sở GT-VT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa đối với ông Mai Văn Thi (người điều khiển phương tiện tàu kéo TG-6047 trên luồng sông Rạng - Long Sơn, TP.Vũng Tàu) với số tiền 15 triệu đồng do vi phạm các lỗi: không xuất trình bằng thuyền trưởng hạng nhì và bằng máy trưởng hạng nhì, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.
CHẾ TÀI CÒN NHẸ
Ông Nguyễn Đức Tú, Phó phụ trách Đội Thanh tra Giao thông đường thủy nội địa Sở GT-VT cho biết, vạch dấu mớn nước an toàn là vạch đánh dấu trên phương tiện thủy để giới hạn phần thân phương tiện được phép chìm trong nước khi hoạt động trên luồng, lạch. Theo quy định, các phương tiện thủy nội địa không được chở hàng hóa, hành khách vượt quá tải trọng, tức là không được vượt quá vạch dấu mớn nước an toàn. Tuy nhiên, vi phạm này vẫn còn diễn ra phổ biến trên các tuyến đường thủy trên địa bàn, như các tuyến luồng sông Rạng (Long Sơn, TP.Vũng Tàu), rạch Bàn Thạch, sông Mỏ Nhát…
Nguyên nhân chưa xử lý triệt để tình trạng trên do địa bàn tỉnh đang thiếu trầm trọng bến, bãi lưu giữ phương tiện, nơi hạ tải đối với các phương tiện vi phạm. Vì vậy, nhiều trường hợp phát hiện vi phạm cũng chỉ dừng lại việc xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, tiếp tục cho phương tiện lưu thông mà không thể buộc hạ tải đến vạch dấu mớn nước an toàn vì không có vị trí tập kết hạ tải, phương tiện hạ tải, bến, bãi bảo quản hàng hóa.
Thêm vào đó, mức xử phạt bằng tiền đối với hành vi chở quá tải trọng trên đường thủy được xử lý theo Nghị định 132/2015/NĐ-CP cũng còn nhẹ, cụ thể như tại khoản 1, Điều 28 quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50-100 ngàn đồng đối với hành vi chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn đến 1/5 chiều cao mạn khô của phương tiện, kể cả một trong các phương tiện của đoàn lai”. Còn các lỗi “Để mờ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” và “Không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” mức phạt chỉ từ 50-200 ngàn đồng. Một số lỗi vi phạm khác cũng có mức xử phạt nhẹ tương tự nên chưa đủ sức răn đe.
Theo Thanh tra Sở GT-VT, hiện vẫn còn tình trạng một số người dân nhận thức pháp luật về giao thông đường thủy nội địa còn hạn chế. Nhưng vẫn có nhiều trường hợp cố tình vi phạm với hành vi nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên luồng, lạch gây cản trở giao thông; vi phạm trong các hoạt động tham gia giao thông thủy; trì hoãn hoặc không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa… Trước thực trạng này, Thanh tra Sở GT-VT đã kiến nghị cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2015/NĐ-CP theo hướng tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện hết hiệu lực, áp dụng cho mỗi loại phương tiện.
Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH