Chi cục Kiểm lâm tỉnh vừa chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh tiến hành tổng kiểm tra, rà soát, phân loại và thống kê toàn bộ cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn quản lý.
Theo đó, việc phân loại các loại động vật nuôi sẽ theo 3 nhóm chính gồm: động vật rừng thông thường; động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục CITES. Song song với công tác kiểm tra, lực lượng kiểm lâm cần tổ chức phổ biến và hướng dẫn chủ cơ sở nuôi động vật hoang dã đảm bảo điều kiện an toàn về chuồng trại, vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh, ghi chép sổ theo dõi nuôi theo mẫu, xây dựng và kịp thời tổ chức phương án phòng ngừa, xử lý tình huống động vật tấn công người hoặc thoát khỏi môi trường có kiểm soát. Đồng thời, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm, không đảm bảo điều kiện về nguồn gốc vật nuôi và điều kiện nuôi theo quy định của pháp luật. Các Hạt Kiểm lâm tổng kiểm tra và hoàn thành trước ngày 15/11/2019.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 144 trại nuôi động vật hoang dã. Trong đó, có 47 trại nuôi các động vật trong nhóm động vật nguy cấp, quý, hiếm được xếp vào các nhóm IB và IIB trong danh mục theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP như gấu, cá sấu, trăn, rắn với khoảng 5.700 cá thể và gần 100 trại nuôi các loài động vật hoang dã như nhím, trĩ đỏ, heo rừng lai, nai... Ngoài 4 cơ sở nuôi 6 cá thể gấu ngựa thuộc danh mục cấm mua bán, đa số các trại nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đều có mục đích thương mại.
KIM HỒNG