Sẵn sàng phương tiện ứng phó kịp thời các sự cố
Các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (CNCH) được lực lượng chức năng bảo quản tốt, kiểm tra thường xuyên nên luôn trong điều kiện sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố.
Chiến sĩ Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2 kiểm tra, bảo quản phương tiện chữa cháy và CNCH. |
Đã thành thông lệ, bất kể ngày nghỉ lễ hay Tết, vào 7 giờ 15 phút hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ lái xe của Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2 - TP. Vũng Tàu (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC-Công an tỉnh) lại bắt đầu công việc kiểm tra hệ thống hơi, nước làm mát và nhiên liệu của các xe chữa cháy CNCH. Khi công việc đã cơ bản hoàn tất, các anh lại tiếp tục cho xe nổ máy, lăn bánh để theo dõi phanh và hoạt động của xe. Nhiệm vụ này tuy chỉ diễn ra 15 phút, nhưng với sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng khâu kiểm tra, đội ngũ lái xe đã có thể nắm tình trạng xe và có biện pháp khắc phục ngay những hỏng hóc.
Đó là công việc hàng ngày, còn mỗi khi đi làm nhiệm vụ chữa cháy trở về đơn vị, dù ai nấy đều thấm mệt, nhưng các lái xe lại không nghỉ ngơi ngay mà phải tiếp tục kiểm tra một lượt các máy móc của xe, bơm dầu, xăng, nước đầy đủ. Nhiều lần do phải chữa cháy ở khu vực rộng, gió thổi ngược khói về phía xe nên xe bám đầy khói đen, các lái xe vừa về đến đơn vị phải rửa ngay, đề phòng tro, bụi ảnh hưởng đến máy móc, thiết bị điện tử trên xe.
Mỗi ngày, dù không phải lái xe đi chữa cháy, diễn tập... nhưng khi bàn giao giữa các ca trực, tất cả các xe của đội đều phải được nổ máy, hoạt động ít nhất 15 phút. Do khởi động xe hàng ngày, nên nhiều lái xe chỉ cần nghe tiếng động cơ, lái vài vòng quanh sân là cơ bản nắm được tình trạng xe . “Tuy nhiên, cũng có một số sự cố không thể lường trước, nên chúng tôi luôn cố gắng tự nghiên cứu, tìm tòi để chủ động khắc phục khó khăn, kịp thời ứng phó khi có có tình huống xảy ra”, Thiếu úy Trần Thanh Liêm, Tổ phó Tổ lái xe Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2 chia sẻ.
Các lái xe của Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2 không chỉ phải biết lái tất cả các loại xe cứu hỏa, CNCH có trong biên chế của đơn vị, mà còn phải biết cách xử lý các “bệnh” của xe. Hơn 30 năm công tác trong lực lượng PCCC, Trung tá Nguyễn Trọng Sơn, Đội phó Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2 cho hay: “Đối với xe hệ thống hơi thì trong quá trình sử dụng lâu, đường ống dễ bị ô xy hóa, van gỉ sét; còn xe hệ thống điện dễ chập điện do ô xy hóa các mạch điện. Hiện đơn vị đã được trang bị thêm các xe chuyên dụng hiện đại, đắt tiền với nhiều bảng điện tử, hệ thống điều khiển các vòi phun từ xa, thang nâng... nên đội ngũ lái xe phải học từ các chuyên gia của hãng xe, đồng thời mày mò học hỏi để khắc phục một số sự cố thường gặp”.
Vừa hoàn thành khóa học 6 tháng đào tạo lái xe chữa cháy tại Trường Đại học PCCC và được biên chế về Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2, Thượng sĩ Trần Nam Thiên cho biết, dù đã được đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản về lái xe chữa cháy, nhưng khi về công tác tại đơn vị, anh cảm thấy khá bỡ ngỡ với các loại mới, hiện đại. “Để nắm được bệnh của xe, ngoài việc kiểm tra xe hàng ngày, tôi còn phải chịu khó học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để biết cách khắc phục những lỗi cơ bản, hạn chế thấp nhất các hỏng hóc, bảo đảm an toàn cho người và xe khi tham gia nhiệm vụ”, Thượng sĩ Trần Nam Thiên nói.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy và 1 vụ nổ, khiến 6 người thiệt mạng, thiệt hại về tài sản hàng tỷ đồng. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thiệt hại của các vụ cháy nói trên có thể đã lớn hơn rất nhiều nếu lực lượng chữa cháy, CNCH không sẵn sàng về thiết bị, phương tiện và không kịp thời triển khai phương án ứng phó, xử lý. |
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Phi, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) - Công an tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng PC07 đã tiếp nhận 21 phương tiện chữa cháy và CNCH, gồm: 10 xe chữa cháy, 3 xe bồn chở nước - nhiên liệu, 1 xe thang chữa cháy kiểu vươn thẳng 56m, 2 ca nô chữa cháy trên sông, 1 xe trạm bơm, 1 xe chở lính cứu hỏa, 1 xe CNCH, 1 xe cuốc và 1 xe xúc. Các phương tiện, thiết bị này đều được sản xuất ở nước ngoài với công nghệ tiên tiến. Hiện nay, Phòng PC07 đã bàn giao cho Cảnh sát PCCC và CNCH các địa phương, trong đó trọng tâm là TP.Vũng Tàu do tập trung nhiều chung cư, nhà cao tầng và TX.Phú Mỹ với nhiều KCN đang hoạt động. “Các phương tiện, thiết bị mới, hiện đại nên đòi hỏi các chiến sĩ PCCC - CNCH tích cực nghiên cứu, tìm hiểu để làm chủ phương tiện, thiết bị. Phòng PC07 cũng quan tâm, chỉ đạo các đội nghiệp vụ chữa cháy thực hiện tốt khâu kiểm tra, bảo quản, qua đó, phát hiện sớm các hư hỏng, kịp thời khắc phục các sự cố kỹ thuật, bảo đảm phương tiện luôn sẵn sàng lên đường ứng phó các tình huống cháy, nổ và xử lý tai nạn, sự cố”, Thượng tá Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM