Thời gian qua, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xâm hại đến đất rừng và lâm sản trên địa bàn tỉnh giảm nhanh theo từng năm. Theo đánh giá của ngành chức năng, có được kết quả này là nhờ cuộc sống, ý thức của người dân ven rừng được nâng cao, cộng với sự mạnh tay trong xử lý vi phạm của cơ quan chức năng đối với các đối tượng phá rừng.
Lực lượng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu tuần tra, bảo vệ rừng. |
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong nửa đầu năm 2019, các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng chống cháy rừng - thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các Ban Quản lý rừng, các lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương tiến hành tổ chức được 214 đợt kiểm tra, truy quét, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; qua đó, phát hiện, ngăn chặn và lập hồ sơ 41 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. So với cùng kỳ năm 2018 tổng số vụ vi phạm giảm 24 vụ (41/65 vụ), tỷ lệ giảm 36,9%. Như vậy, những năm qua, số lượng vụ xâm hại đến rừng và sản vật rừng liên tiếp giảm mạnh. Từ 2015 đến nay, số vụ vi phạm về rừng giảm 30%.
Khu vực rừng phòng hộ ngập mặn thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu và TX. Phú Mỹ có vai trò trọng yếu trong giảm xói lở và bảo vệ đất, giảm ô nhiễm, giảm tác động của biến đổi khí hậu, giảm hậu quả khi xảy ra thiên tai trên địa bàn tỉnh. Trước đây, khu vực này khá phức tạp về tình trạng gây hại đến rừng. Trong đó, các lỗi vi phạm chính là người dân khi đào, sửa chữa đùng nuôi thủy hải sản đã xâm hại đến các cây rừng ngập mặn. Ông Đào Văn Điền, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu - Phú Mỹ cho biết, trước tình trạng trên, cơ quan kiểm lâm đã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ và các địa phương tổ chức hàng trăm đợt tuần tra, kiểm soát định kỳ/năm để phát hiện, xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Lực lượng kiểm lâm xử lý vụ vận chuyển lâm sản trái phép tại huyện Xuyên Mộc. |
Hiện Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu - Phú Mỹ có 3 trạm, với gần 10 người túc trực 24/24 và thường xuyên sử dụng phương tiện chuyên dụng tuần tra đột xuất các khu vực phức tạp, có dấu hiệu vi phạm. Cùng với đó, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều biện pháp để người dân sống trong, ven rừng hiểu được vai trò của rừng ngập mặn bởi ngoài điều hòa khí hậu và giảm nhẹ hậu quả thiên tai, đây còn là nơi cung cấp sinh kế bền vững cho người dân nếu họ biết bảo vệ. “Nhờ đó, việc người dân “vừa sợ, vừa hiểu” đã khiến số vụ xâm hại rừng tại khu vực rừng ngập mặn Long Sơn - Phú Mỹ liên tiếp giảm mạnh. 6 tháng đầu năm 2018, có 8 vụ xâm hại rừng được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018. Tính rộng ra, những năm gần đây, số vụ vi phạm bình quân giảm 20-30%/năm.
Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (KBTTNBCPB), khu vực rừng đặc dụng với diện tích rộng tới hơn 11 ngàn ha, lại bao trùm nhiều khu vực dân sinh nên tình trạng xâm hại rừng trước đây diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhờ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ nên số vụ xâm hại rừng giảm hẳn. Trong nửa đầu năm 2019, trên địa phận khu bảo tồn xảy ra 11 vụ xâm hại rừng, giảm bình quân từ 20-30 vụ của các năm trước đó. Ông Nguyễn Văn Quyết, Trưởng Phòng Quản lý - Bảo vệ rừng, Ban Quản lý KBTTNBCPB cho biết, nguyên nhân số vụ vi phạm liên tiếp giảm trong những năm qua, ngoài nhờ tác động từ việc tuần tra, kiểm soát và công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng, việc đời sống của nhân dân trong và ven rừng được nâng cao cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng. “Trước đây, người dân một số xã ven rừng như Hòa Hội, Hòa Hiệp, Bưng Riềng… (huyện Xuyên Mộc) sống phụ thuộc nhiều vào rừng và tài nguyên trong rừng. Do đó, nhiều hộ do cuộc sống khó khăn, cộng với thiếu ý thức đã canh tác, khai thác sản vật rừng trái pháp luật. Những năm qua, đời sống người dân các xã ven rừng đã được nâng lên đáng kể nhờ những mô hình kinh tế, các loại cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả cao. Nhờ đó, việc người dân thực hiện các hoạt động ảnh hưởng đến rừng không còn nhiều như trước. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tại KBTTNBCPB vì vậy giảm mạnh qua từng năm.
Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng trong thời gian tới, cơ quan chức năng vẫn luôn phải nghiêm túc, quyết liệt thực hiện việc kiểm tra, xử lý các trường hợp có hành vi xâm hại đến đất, sản vật rừng.
Bài, ảnh: QUANG VINH