* THÙ LAO GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ SƠ CẤP TỐI ĐA 2 TRIỆU ĐỒNG/NGƯỜI/BUỔI
Đây là nội dung được sửa đổi tại Thông tư 40/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.
Theo đó, mức thù lao cho giáo viên, người dạy nghề tham gia đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng được quy định như sau: Giáo viên cơ hữu đang làm việc tại cơ sở đào tạo của Nhà nước được áp dụng mức tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương của giảng viên, giáo viên hiện đang hưởng; Người dạy nghề không thuộc trường hợp trên thì mức thù lao sẽ do thủ trưởng cơ quan đề xuất, tối đa không quá 2 triệu đồng/người/buổi.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/9/2019.
* NGUỒN KINH PHÍ ĐỂ TĂNG LƯƠNG NĂM 2019 TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 46/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.
Theo đó, nguồn kinh phí để tăng lương năm 2019 tại các địa phương gồm: Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với năm 2018 theo quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính; Nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương, không kể tiền sử dụng đất và tiền thu được từ xổ số kiến thiết thực hiện so với dự toán năm 2018 được giao; 50% phần ngân sách Nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 6/9/2019.
* GIẢNG VIÊN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP HỆ SỐ LƯƠNG CAO NHẤT ĐẾN 8,0
Ngày 26/9/2019, Thông tư 12/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH sẽ có hiệu lực. Nội dung chính của Thông tư này quy định về hệ số lương của viên chức giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể: Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp: Hệ số lương từ 6,20 đến 8,00; Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính: Hệ số lương từ 4,40 đến 6,78; Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết: Hệ số lương 2,34 đến 4,98; Giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành: Hệ số lương 2,10 đến 4,89.
* ĐIỀU KIỆN CHUYỂN ĐỔI TỪ ĐẤT TRỒNG LÚA SANG TRỒNG CÂY HÀNG NĂM
Đây là một trong những nội dung được điều chỉnh tại Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất trồng lúa.
Nghị định mới quy định rõ ràng về các điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản: Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp xã; Trường hợp trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản; độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2019.
* TỰ Ý CHO THUÊ XE Ô TÔ CÔNG, PHẠT ĐẾN 20 TRIỆU ĐỒNG
Các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kể từ ngày 1/9/2019 sẽ được áp dụng theo Nghị định 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Nghị định này nêu rõ, trường hợp cho thuê trụ sở làm việc, ô tô công khi không có quyết định phê duyệt sẽ bị xử phạt từ 15-20 triệu đồng.
Trường hợp tự ý bán thanh lý xe ô tô khi dự án kết thúc, chưa có quyết định phê duyệt cũng bị phạt tới 20 triệu đồng.
Với hành vi sử dụng điện, xăng, dầu, điện thoại, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị…. bằng kinh phí Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
* LÀM LỀU, QUÁN TRONG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI, PHẠT ĐẾN 300 NGÀN ĐỒNG
Ngày 9/9/2019, Nghị định 65/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; bảo vệ công trình thủy lợi có hiệu lực.
Nghị định này quy định một số mức phạt với người vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi như sau: Làm lều, quán, tường; xây dựng công trình tạm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi: Phạt 100.000-300.000 đồng; Xây dựng lò gạch, lò vôi, chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm trái phép: Phạt 5-10 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 3-5 triệu đồng); Xây nhà ở, công trình phụ, cầu… và các công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt 30-50 triệu đồng.
* TIÊU CHUẨN CỦA TRƯỞNG PHÒNG, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC
Theo Thông tư 10/2019/TT-BGDĐT, trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục đều cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như:
Tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; Có thời gian công tác trong ngành giáo dục ít nhất 5 năm; Có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo theo quy định; Có năng lực dự báo, tư duy chiến lược, định hướng phát triển và tổng kết thực tiễn; năng lực quản lý sự thay đổi, năng lực xử lý thông tin và truyền thông…
Thông tư này do Bộ GD-ĐT ban hành, có hiệu lực từ ngày 30/9/2019.
* ĐĂNG KÝ DN QUA MẠNG ĐƯỢC MIỄN LỆ PHÍ
Đây là nội dung tại Thông tư 47/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.
Theo đó, trường hợp thực hiện đăng ký DN qua mạng điện tử được miễn lệ phí đăng ký DN.
Với những trường hợp khác, lệ phí như sau: Lệ phí đăng ký DN là 50.000 đồng/lần; Lệ phí cung cấp thông tin giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh 20.000 đồng/bản…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/9/2019.
ĐỨC ANH (Tổng hợp)