Huyện Côn Đảo: Quản lý phương tiện thủy nội địa còn lỏng lẻo
Những năm gần đây, hoạt động vận tải thủy nội địa (TNĐ) ở huyện Côn Đảo phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu đi lại phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và đưa du khách tham quan các đảo. Tuy nhiên, công tác quản lý phương tiện TNĐ trên địa bàn huyện còn lỏng lẻo, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, mất an toàn trên các tuyến luồng giao thông thủy.
Một phương tiện thủy nội địa công suất nhỏ chưa đăng ký do người dân tự đóng và đưa vào hoạt động tại khu vực cảng Bến Đầm, huyện Côn Đảo. |
NHIỀU PHƯƠNG TIỆN CHƯA ĐƯỢC ĐĂNG KÝ
Trên địa bàn huyện Côn Đảo có 10 tuyến luồng TNĐ với chiều dài 205km từ trung tâm huyện đến các khu vực Bãi Dương, bãi Bờ Đập, hòn Cát Lớn, hòn Tàu, hòn Cau, vịnh Đầm Tre, hòn Tre Lớn, vịnh Ông Đụng, hòn Tre Nhỏ và Đầm Cuốc. Toàn huyện có 12 bến TNĐ được UBND tỉnh cấp phép hoạt động, trong đó có 2 bến tại đảo chính và 10 bến tại đảo nhỏ. Hiện có 144 phương tiện TNĐ đang hoạt động trên địa bàn huyện. Trong đó, 25 phương tiện ca nô đủ điều kiện hoạt động phục vụ du lịch và 18 phương tiện tàu đò đủ điều kiện hoạt động (đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ chuyên môn); còn lại 101 phương tiện công suất nhỏ chưa đăng ký do người dân tự đóng và đưa vào hoạt động trên các tuyến TNĐ.
Thời gian qua, Đồn Biên phòng Côn Đảo đã phối hợp với Ban Quản lý cảng huyện Côn Đảo kiên quyết không xác nhận, giải quyết cho những phương tiện TNĐ không đủ điều kiện hoạt động (không đăng ký, đăng kiểm). Tuy nhiên, nhiều phương tiện vẫn lén lút hoạt động dịch vụ vận tải thủy. Thực tế cho thấy, việc quản lý các phương tiện thủy đưa khách ra tham quan các đảo còn khá lỏng lẻo. Du khách thường thông qua các mối quan hệ với cơ sở lưu trú, hoặc với người dân địa phương để đặt phương tiện ra đảo, hoàn toàn không biết phương tiện đó có đáp ứng đủ điều kiện để hoạt động hay không.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu tại cảng Bến Đầm, khu vực này có nhiều ghe công suất nhỏ đang neo đậu và hoạt động, nhưng không có biển số do chưa đăng ký. Ông Nguyễn Lâm (ngụ tại khu dân cư số 1), chủ 1 phương tiện tại đây cho biết, ông có chiếc ghe công suất nhỏ, mỗi lần có thể chở 5-7 khách du lịch ra tham quan các đảo gần trung tâm huyện. Quan sát trên ghe ông Lâm, chúng tôi thấy không có áo phao, còn vỏ ghe được đóng khá sơ sài. Khi được hỏi về chứng chỉ chuyên môn, ông Lâm nói: “Lực lượng chức năng cũng nhắc nhở, nhưng ghe của tôi hoạt động gần bờ, đưa khách đi ra các đảo nhỏ chỉ khoảng 2-3 hải lý, nên chưa chú ý đến bằng cấp điều khiển phương tiện cũng như việc đăng ký. Nhiều phương tiện khác và người điều khiển ở Côn Đảo cũng vậy!”.
LOẠI BỎ PHƯƠNG TIỆN KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, huyện đã thống kê số lượng phương tiện, lập danh sách của chủ phương tiện đủ hoặc chưa đủ điều kiện hoạt động. Nhưng việc quản lý chỉ mới dừng ở đây, UBND huyện cũng đã đề nghị Sở GT-VT hỗ trợ công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện TNĐ, nhất là đối với những loại ghe do người dân tự đóng hoặc cải hoán.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Thượng Chí, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, theo quy định tại Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT của Bộ GT-VT, Sở GT-VT thực hiện đăng ký phương tiện mang cấp VR-SB, phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15CV, phương tiện có sức chở trên 12 người của tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh BR-VT. UBND huyện Côn Đảo thực hiện đăng ký phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5-15CV hoặc có sức chở từ 5-12 người của tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa bàn quản lý; Thực hiện đăng ký phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1-15 tấn hoặc có sức chở từ 5-12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5CV hoặc có sức chở dưới 5 người của tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa bàn. Đồng thời, tổ chức quản lý đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè khi hoạt động trên đường TNĐ phải bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định.
Lãnh đạo Sở GT-VT cho rằng, UBND huyện Côn Đảo cần rà soát, hướng dẫn, yêu cầu người dân đăng ký phương tiện, sau đó mới tiến hành công tác đăng kiểm để loại bỏ những phương tiện không đủ điều kiện hoạt động. Mặt khác, UBND huyện Côn Đảo hướng dẫn các chủ phương tiện phối hợp với Trung tâm đăng kiểm phương tiện GT-VT rà soát, kiểm tra phân loại phương tiện nào thuộc diện đăng kiểm thì tiến hành đăng kiểm đúng quy định. Đối với phương tiện không phải đăng kiểm thì lập bản kê khai điều kiện an toàn của phương tiện. “Thời gian tới, Sở GT-VT sẽ tăng cường lực lượng thanh tra GT-VT trong đất liền ra Côn Đảo theo chuyên đề kiểm tra cả lĩnh vực đường bộ và đường thủy. Qua đó, hỗ trợ huyện Côn Đảo chấn chỉnh công tác quản lý cả phương tiện đường bộ và đường TNĐ”, ông Trần Thượng Chí cho hay.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM