Đại úy CSGT Chu Quang Sáng dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ

Thứ Năm, 18/04/2019, 19:32 [GMT+7]
In bài này
.

 

Đại úy Chu Quang Sáng (SN 1984, cán bộ Phòng CSGT (PC08) - Công an tỉnh) hy sinh khi làm nhiệm vụ khiến đồng đội, bạn bè, người thân thương tiếc. Công an tỉnh sẽ làm hồ sơ đề nghị truy phong liệt sĩ đối với Đại úy Chu Quang Sáng.

 

ĐỂ LẠI TIẾC THƯƠNG

Sáng 18-4, chúng tôi tìm đến căn nhà của gia đình Đại úy Chu Quang Sáng ở ấp Nhân Phước, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc. Đã có rất nhiều đồng đội, bạn bè và người dân địa phương đến thắp nén nhang chia buồn với gia đình người CSGT hy sinh khi làm nhiệm vụ trên QL51 vào sáng ngày 17-4 vừa qua. Đứng bên linh cữu nhìn di ảnh người chiến sĩ công an trong trang phục CSGT với khuôn mặt trẻ trung, hiền hậu, nhiều người không kìm được nước mắt.

Đôi mắt đỏ au, hõm sâu trên khuôn mặt da mồi, ông Chu Văn Vị (chú ruột của Đại úy Chu Quang Sáng) cho biết: Sáng là con thứ 2 trong gia đình có 6 anh chị em. Sau khi tốt nghiệp Trường Công an Nhân dân, anh được bố trí công tác tại Công an phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa. Sau đó, chuyển về công tác tại Đội CSGT-Công an TP.Bà Rịa. Năm 2015, anh Sáng được điều về công tác tại Phòng PC08-Công an tỉnh. “Sáng là một người con, người cháu ngoan hiền, chưa làm phiền lòng ai trong gia đình. Giờ nó ra đi đột ngột để lại vợ trẻ, con thơ chỉ mới gần 3 tuổi, cả nhà đều đau lòng!”, ông Vị nghẹn lời.

Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng Phòng PC08-Công an tỉnh cho biết, Đại úy Sáng là người tận tụy trong công việc. Dù mới chuyển về Phòng PC08 được ít năm, nhưng đồng chí Sáng được nhiều anh em đồng đội quý mến, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. “Chiều 17-4, sau khi nhận được tin từ Bệnh viện Bà Rịa về tình trạng của đồng chí Sáng, anh em trong Phòng PC08 đã thay phiên nhau túc trực tại bệnh viện để sẵn sàng tiếp máu theo yêu cầu, nhưng điều không may đã xảy ra. Đồng chí Sáng hy sinh, để lại niềm tiếc thương cho mọi người!”, Đại tá Ninh trầm giọng.

Bác sĩ Trần Văn Phong, Phó trưởng Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Bà Rịa, cho biết: Đại úy Chu Quang Sáng được đưa vào cấp cứu lúc 8 giờ 30 phút ngày 17-4. Lúc đó, tình trạng bệnh nhân (BN) vẫn còn tỉnh táo. Qua xét nghiệm, chụp chiếu cho thấy BN bị đa chấn thương đầu, mặt, bụng, tứ chi. Dù các BS đã tích cực hồi sức cấp cứu, nhưng tình trạng BN diễn biến xấu dần, choáng, mất rất nhiều máu. Kíp trực cấp cứu đã tiên lượng khả năng BN tử vong cao. Tuy nhiên, với hy vọng “còn nước, còn tát” nên quyết định mổ cầm máu cho BN. “Trước khi mổ, chúng tôi đã giải thích cho người nhà hiểu tình trạng nguy hiểm của BN để chuẩn bị tâm lý. Chúng tôi đã làm hết sức mình, nhưng BN vẫn không qua khỏi”, BS Trần Văn Phong chia sẻ.

VỀ TRÁCH NHIỆM NGƯỜI GÂY RA TAI NẠN

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Đại tá Bùi Văn Thảo - Giám đốc Công an tỉnh cho biết, theo báo cáo của các đơn vị liên quan vụ việc, xe bán tải biển số 51C-95229 do ông Huỳnh Văn Chủng (SN 1976, trú tại TP.Hồ Chí Minh) điều khiển chạy trên QL51 với tốc độ cao, vượt qua 2 lần đèn đỏ. Nhận thấy dấu hiệu nguy hiểm, nên khi nhận được lệnh phải dừng xe này, Đại úy Sáng và một chiến sĩ cơ động đã dùng xe đặc dụng bám theo, với mục đích xử lý hành vi chạy quá tốc độ và ngăn chặn hậu quả đáng tiếc có thể gây ra cho các phương tiện khác đang lưu thông trên đường.

Tuy nhiên, tài xế xe bán tải không chấp hành lệnh dừng xe, mà cố tình ép xe của CSGT vào dải phân cách giữa đường gây ra tai nạn. Còn chiến sĩ cảnh sát cơ động cũng bị xây xát, hiện vẫn còn choáng tâm lý chưa ổn định, nên phải theo dõi, điều trị phục hồi sức khoẻ mới có thể tường thuật chi tiết vụ việc. “Hiện vụ việc đang được khẩn trương xác minh, điều tra và xử lý. Khi có kết quả điều tra ban đầu, Công an tỉnh sẽ làm hồ sơ đề nghị cơ quan thẩm quyền công nhận và truy phong đồng chí Chu Quang Sáng là liệt sĩ theo quy định”, Đại tá Bùi Văn Thảo cho hay.

Thông tin ban đầu từ cơ quan công an cho biết, do ông Huỳnh Văn Chủng có biểu hiện tâm thần (có sổ theo dõi điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Tâm thần TP.Hồ Chí Minh do người nhà cung cấp) khi thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ và gây ra hậu quả nghiêm trọng vào sáng ngày 17-4, nên ông Chủng đã được đưa đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh để theo dõi, phục vụ cho việc xử lý tiếp theo.

Như đã thông tin, vào khoảng hơn 8 giờ sáng ngày 17-4, chiếc xe bán tải biển số 51C-95229 do ông Huỳnh Văn Chủng (SN 1976, trú tại TP.Hồ Chí Minh) điều khiển lưu thông trên QL51 hướng từ TP.Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu. Khi đến xã Phước Thái (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), xe bán tải này đã tông vào các xe đi cùng chiều và cự cãi với người dân khu vực này. Sau đó, ông Chủng dùng rìu tấn công anh Nguyễn Công Hoan (SN 1979) là tài xế lái xe chở dầu bị thương, rồi ông Chủng lên xe chạy với tốc độ cao hướng về TX. Phú Mỹ.

Lúc này, tổ tuần tra của Phòng CSGT (PC08)-Công an tỉnh đang trực kiểm soát tốc độ trên QL51 (đoạn ngã tư chung cư Nhà máy Đạm Phú Mỹ) phát hiện xe bán tải biển số 51C-95229 chạy với tốc độ 83km/h vượt quy định, nên ra hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên, ô tô này không dừng lại mà bỏ chạy, vượt đèn đỏ. Đại úy Chu Quang Sáng cùng với một chiến sĩ cơ động dùng mô tô truy đuổi. Đến khu vực ngã ba Cái Mép thì xe ô tô bán tải tông vào xe chuyên dụng của CSGT, hậu quả khiến 2 chiến sĩ thương vong.

Theo Luật sư Vũ Anh Thao, Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT, căn cứ Điều 330 Bộ luật Hình sự (số 01/VBHN-VPQH 2017), tội chống người thi hành công vụ có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; trong một số trường hợp có thể bị phạt tù từ 2-7 năm. Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định người có hành vi chống người thi hành công vụ cố ý gây ra hậu quả nghiêm trọng làm chết người, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.

Trong khi đó, Điều 21 Bộ luật Hình sự (số 01/VBHN-VPQH 2017) quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. “Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định bắt buộc đưa người bị tâm thần đi chữa bệnh tại các cơ sở chuyên khoa khi họ chưa vi phạm pháp luật hình sự. Trách nhiệm quản lý người bị tâm thần trước hết thuộc về phía gia đình của người bệnh. Vì vậy, gia đình nên đưa người bệnh tâm thần đi chữa bệnh tại cơ sở chuyên khoa để tránh những sự việc đáng tiếc do họ gây ra cho xã hội”, Luật sư Vũ Anh Thao khuyến cáo.

Bài, ảnh: SƠN KHÊ - MINH THIÊN

;
.