Nghị định 46/2016/NĐ-CP (viết tắt NĐ 46) “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt” có hiệu lực từ 1-8-2016 đã cho thấy những hiệu quả nhất định về điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo ý kiến của cơ quan chức năng, vẫn cần tiếp tục có những sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức xử phạt, thời gian tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện vi phạm đối với một số hành vi vi phạm.
Lực lượng CSGT bắn tốc độ trên đường Võ Nguyên Giáp (TP. Vũng Tàu). |
Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, sau hơn 2 năm triển khai NĐ 46, tình hình chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, ý thức của người tham gia giao thông đã từng bước nâng lên. Trong hơn 2 năm qua, Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo công an các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến NĐ 46 kết hợp với Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính bằng nhiều hình thức, như: niêm yết công khai tại phòng tiếp dân; xây dựng video clip về các quy định mới xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, tổ chức hơn 1.300 lượt tuyên truyền với gần 193 ngàn lượt người tham gia...
Các lực lượng chức năng cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Cụ thể là, Công an tỉnh đã lập biên bản hơn 130 ngàn trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 74 tỷ đồng. Thanh tra Sở GT-VT lập biên bản hơn 3.300 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 13 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là người điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, làn đường, chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước, dừng đỗ xe không đúng quy định, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và các loại xe tương tự; không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đi ngược chiều đường…
Ông Hoàng Nguyên Dinh, Phó Giám đốc Sở GT-VT phân tích: Qua công tác kiểm tra của Sở GT-VT về hoạt động kinh doanh vận tải của các DN, HTX trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, tình trạng lái xe vi phạm về tốc độ cho phép còn nhiều; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô còn mang tính đối phó, việc xử lý thông tin từ thiết bị giám sát hành trình chưa hiệu quả; một số DN vận tải hành khách không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện định kỳ; không khám sức khỏe, xét nghiệm ma túy đối với tài xế theo quy định.
Tuy nhiên Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) - Công an tỉnh cũng nhận định, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông hầu hết có lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện, như: vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, đi ngược chiều, chuyển hướng, quay đầu không đúng nơi quy định… Từ thực trạng nêu trên, đã đến lúc cần nâng cao mức xử phạt, đa dạng hình thức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm để tăng sức răn đe, hạn chế lỗi trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cụ thể như, tăng mức phạt tiền, thời hạn tước giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, hiệu lệnh hướng dẫn của người điều khiển giao thông, hoặc kiểm soát giao thông (hiện tại, mức xử phạt tiền người điều khiển ô tô vi phạm các quy định này theo NĐ 46 từ 1,2-2 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng). Còn hành vi điều khiển mô tô rú ga, nẹt pô trong đô thị, khu đông dân cư, hiện chỉ xử phạt từ 100-200 ngàn đồng, trong khi đây là hành vi vi phạm mang tính cố ý gây rối trật tự công cộng, gây bức xúc trong nhân dân, do đó cần tăng mức phạt và bổ sung hình thức tạm giữ phương tiện.
Ông Trần Thanh Danh, Chánh Thanh tra Sở GT-VT cho rằng, đối với hành vi người điều khiển phương tiện để dầu nhờn, hóa chất, vật liệu xây dựng… rơi vãi xuống đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, nhưng hiện nay NĐ 46 quy định mức xử phạt từ 1-3 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe, phải tăng mức phạt đối với những trường hợp này.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM