Hỏi: Chung cư tôi đang ở có nhiều hộ nuôi chó, mèo thả rông gây mất vệ sinh và an toàn dịch tễ. Xin hỏi, người dân có được phép nuôi chó, mèo trong chung cư? Việc thả rông chó, mèo gây nguy hiểm cho con người sẽ bị xử lý ra sao?
(Lê Thị Tuyết Anh, TP. Vũng Tàu)
Trả lời: Căn cứ Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng, ban hành kèm theo “Mẫu nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư”, việc chăn, thả, nuôi gia súc, gia cầm là một trong các hành vi bị nghiêm cấm đối với chủ các căn hộ ở trong chung cư.
Điều 2, Luật Chăn nuôi 2018 về giải thích từ ngữ quy định: Gia súc là loại động vật có vú, có 4 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi. Như vậy, chó, mèo cũng được coi là những loài gia súc, nên việc cấm nuôi chó, mèo trong chung cư theo “Mẫu nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư” ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD là có cơ sở. Tuy nhiên, để điều chỉnh hành vi này, Ban quản lý các chung cư phải đưa nội dung này vào nội quy riêng của mỗi nhà chung cư do mình quản lý.
Về việc thả rông chó, mèo có thể gây nguy hiểm lây truyền bệnh dại như cào cấu, cắn người, theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT “Quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn” thì chó, mèo là loại vật nuôi bắt buộc phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Nếu không thực hiện quy định này, chủ nuôi có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y”, như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 -300 ngàn đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật. Phạt tiền từ 600-800 ngàn đồng đối với một trong các hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng (thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn).
Ngoài ra, chủ nuôi chó, mèo cào cấu, cắn người khác thì phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, tại Điều 603 quy định về việc “Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra”. Cụ thể là, chi phí tiêm phòng bệnh dại, điều trị vết thương, chi phí khác có liên quan.
Luật gia: THANH MAI