Cảnh giác thủ đoạn thuê xe ô tô đem cầm cố

Thứ Năm, 28/03/2019, 16:56 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ thuê xe ô tô rồi đem bán, cầm cố. Khi bị phát hiện, đối tượng đã bỏ trốn, hoặc không có khả năng trả lại tài sản. Đây là thủ đoạn lừa đảo cũ nhưng nhiều người vẫn bị mắc bẫy.

Đối tượng Thạch Quang Nhật (SN 1987, trú huyện Châu Đức) bị Công an tỉnh tạm giữ để điều tra, xử lý hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” khi thuê xe ô tô đem cầm cố lấy tiền tiêu xài.
Đối tượng Thạch Quang Nhật (SN 1987, trú huyện Châu Đức) bị Công an tỉnh tạm giữ để điều tra, xử lý hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” khi thuê xe ô tô đem cầm cố lấy tiền tiêu xài.

Công an TP. Vũng Tàu đang điều tra xử lý vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn thuê xe ô tô đem cầm cố. Thông tin ban đầu cho biết, ngày 13-3, Công ty Phương Xuân Nam (phường 12, TP. Vũng Tàu) ký hợp đồng cho Nguyễn Minh Thừa (SN 1992, trú tại TP. Hồ Chí Minh) thuê 1 xe ô tô Toyota Innova biển số 72A-20690 với giá hơn 5 triệu đồng/tháng. Hết thời hạn thuê theo hợp đồng, nhưng không thấy Thừa trả xe, liên lạc không được nên công ty này đã trình báo cơ quan công an. Sau khi xác minh, Công an TP. Vũng Tàu đã thu hồi được chiếc xe trên do đối tượng đang cầm cố ở một tiệm cầm đồ tại tỉnh Tây Ninh, đồng thời yêu cầu Nguyễn Minh Thừa đến cơ quan công an trình diện để làm rõ sự việc. 

Tương tự, Công an TP. Vũng Tàu cũng đang điều tra vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn thuê xe cầm cố. Theo trình bày của bị hại, tháng 5-2018, bà Tạ Thị Bé (SN 1970, trú tại TP. Vũng Tàu) cho Đinh Tuấn Nam (SN 1979, trú tại TP. Vũng Tàu) thuê xe Toyota Innova biển số 72A-16502 với giá 8,5 triệu đồng/tháng. Hợp đồng kết thúc vào tháng 6-2018, nhưng Nam không trả xe. Tháng 7-2018, bà Bé nhận được điện thoại của người lạ yêu cầu đến phòng công chứng để làm thủ tục bán xe. Lúc này, bà Bé mới biết xe của mình bị cầm cố, nên tố cáo đến Công an phường 7. Tại cơ quan công an, Nam thừa nhận đã cầm cố chiếc xe của bà Bé cho một người tại phường 12, TP. Vũng Tàu lấy 300 triệu đồng. Hiện nay, Nam đã bỏ trốn khỏi địa phương nên cơ quan công an đang truy tìm.  

Thiếu tá Bùi Văn Sang, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp-Công an TP. Vũng Tàu cho biết, phần lớn người thuê, mượn xe là những người thân quen mới dễ chiếm được lòng tin của bị hại. Hầu hết các đối tượng thuê xe với mục đích đem cầm cố đều thiếu tiền tiêu xài nên làm liều. Khi thuê xe, các đối tượng thường yêu cầu giao giấy tờ xe, tạo điều kiện lấy xe đi cầm hoặc bán một cách dễ dàng. Khi bị nạn nhân tố cáo, đối tượng liền bỏ trốn khỏi nơi cư trú, gây khó khăn cho công tác xác minh, truy tìm. 

“Người cho thuê xe cần phải kiểm tra giấy tờ tùy thân của người thuê xe, nắm rõ thông tin về nhân thân, quan hệ xã hội của người thuê; nên gắn giám sát hành trình trên xe cho thuê để có thể kiểm soát hành trình của xe. Trong quá trình cho thuê xe, nếu nghi ngờ có dấu hiệu gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, chủ xe kịp thời báo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật”, Thiếu tá Bùi Văn Sang khuyến cáo.

Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào chiếm đoạt tài sản dưới hình thức vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản trị giá từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, bị phạt tù từ 2-7 năm; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng phạt tù từ 5-12 năm; Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

Luật sư Vũ Anh Thao, Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT cho biết, người nào thực hiện hành vi thuê xe nhưng không trả lại cho chủ sở hữu xe theo giao kết, mà đem cầm cố lấy tiền sử dụng cho mục đích cá nhân có thể bị khởi tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015. Chủ tiệm cầm đồ, người nhận cầm cố tài sản là xe máy, ô tô không phải là chủ sở hữu nên đây là giao dịch dân sự vô hiệu. 

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2, Điều 11, Nghị định 167/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” thì chủ tiệm cầm đồ, hay người cầm cố tài sản có hành vi “Cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố” sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 - 5 triệu đồng.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN

;
.