Nhiều án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán

Thứ Tư, 13/02/2019, 17:52 [GMT+7]
In bài này
.

Theo báo cáo của TAND tỉnh, năm 2018, TAND 2 cấp (tỉnh và huyện) đã thụ lý 9.798 vụ việc; giải quyết 8.557 vụ việc, đạt tỷ lệ 87,33%. Tuy nhiên, số lượng án bị hủy, bị sửa vẫn còn nhiều, phần lớn do lỗi của thẩm phản.

Các bị cáo (từ trái qua phải): Lê Văn Hải, Trương Văn Tùng và Trần Ngọc Anh trong vụ xét xử vụ án giết người tại TAND tỉnh ngày 30-10-2018.
Các bị cáo (từ trái qua phải): Lê Văn Hải, Trương Văn Tùng và Trần Ngọc Anh trong vụ xét xử vụ án giết người tại TAND tỉnh ngày 30-10-2018.

Cụ thể, năm 2018, trong số 8.557 vụ việc đã được TAND 2 cấp giải quyết vẫn còn 403 vụ bị kháng cáo, 22 vụ bị kháng nghị phúc thẩm, 3 vụ kháng nghị giám đốc thẩm, 30 án bị hủy, 168 án bị sửa. Điều đáng nói là trong 30 án bị hủy có 26 vụ do lỗi chủ quan của thẩm phán, trong 168 án bị sửa có 83 vụ do lỗi của thẩm phán. Ngoài ra, TAND hai cấp có 288 vụ án tạm đình chỉ và có 61 vụ án quá hạn luật định.

Thẩm phán Nguyễn Văn Hiến, Chánh án TAND tỉnh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên là do tình hình tội phạm và các loại tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, thể hiện số lượng án thụ lý trong năm 2018 tăng 600 vụ, việc so với cùng kỳ năm 2017; tính chất vụ án ngày càng phức tạp; các quy định mới của các luật về tố tụng mới có hiệu lực tăng thêm nhiều phần việc cho ngành Tòa án, trong khi số lượng biên chế TAND hai cấp không tăng, hiện được phân bổ đến nay là 202/203 biên chế (trong đó, TAND tỉnh có 62/62 biên chế, TAND cấp huyện có 140/141 biên chế) đã tạo áp lực công việc rất lớn cho hoạt động của các TAND.

Chánh án TAND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, nhiều án dân sự tồn đọng (năm 2018, tỷ lệ giải quyết chỉ đạt 87,94%, thấp hơn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đề ra là 90%) còn do trình độ năng lực chuyên môn của thẩm phán hạn chế. Một số thẩm phán do yếu chuyên môn, thiếu bản lĩnh, nên chọn phương án “dễ làm, khó bỏ”; một số thẩm phán thiếu tích cực, thậm chí nhiều trường hợp làm sai nguyên tắc, vi phạm thủ tục tố tụng dẫn đến án bị sửa, bị hủy.

Kéo giảm tình trạng án quá hạn luật định, án bị hủy, sửa
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, ngày 17-1-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về “Lãnh đạo việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết án, kéo giảm tình trạng án quá hạn luật định, án bị hủy, sửa của TAND hai cấp tỉnh BR-VT”, nghị quyết xác định rõ: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết án, giảm tình trạng án quá luật định, án bị sửa, bị hủy là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của TAND. Theo đó, cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức TAND; xây dựng đội ngũ thẩm phán chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xét xử trong tình hình mới. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, hoàn thành tốt chỉ tiêu giải quyết án được giao hàng năm, cụ thể: Tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt 95%, án dân sự đạt 85% và án hành chính đạt 80% trở lên. Giảm thiểu án bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán, đạt tỉ lệ dưới 1,16%.

Liên quan số lượng án tạm đình chỉ, án quá hạn còn nhiều, thẩm phán Đào Trọng Hải, Chánh án TAND huyện Châu Đức nêu thêm một thực tế: Hiện nay, số án tồn lâu năm do bị đơn chống đối, không chấp hành giấy triệu tập của Tòa án, không giao nộp tài liệu, chứng cứ, hoặc thiếu hợp tác với cơ quan chức năng, nhất là các án liên quan lĩnh vực đất đai là khá nhiều... Chưa kể, theo quy định của ngành Tòa án, trong nhiệm kỳ, một thẩm phán có 2/100 (tương đương 1,16%) vụ án thụ lý bị hủy, sẽ không được tái bổ nhiệm chức danh thẩm phán trong thời gian ít nhất 3 năm. “Chính vì vậy, nhiều trường hợp thẩm phán sợ án bị hủy, sửa sẽ ảnh hưởng đến việc tái bổ nhiệm, nên không chủ động tìm cách giải quyết đối với những án khó, cầu toàn trong quá trình giải quyết. Cũng có trường hợp thẩm phán vì tâm lý ngại bị đánh giá về năng lực chuyên môn, nên không chủ động báo cáo lãnh đạo những vụ án phức tạp, làm kéo dài quá trình giải quyết vụ án”.

Về phương hướng tháo gỡ khó khăn, Thẩm phán Nguyễn Văn Hiến cho biết, TAND tỉnh vừa tổ chức hội thảo về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết án, kéo giảm tình trạng án quá hạn luật định, án bị hủy, bị sửa” để rút kinh nghiệm và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, thư ký của ngành. Bên cạnh đó, TAND tỉnh sẽ tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình giải quyết án tại TAND cấp huyện, nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án, qua đó đề ra các biện pháp cụ thể khắc phục triệt để án quá hạn luật định, án tạm đình chỉ không đúng quy định. Đồng thời, tăng cường điều động, biệt phái thẩm phán, thư ký tòa án bổ sung cho đơn vị TAND cấp huyện có lượng án tồn đọng nhiều để đẩy mạnh tiến độ giải quyết án trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.