Những năm qua, nhờ phát huy vai trò của quần chúng nhân dân nên hoạt động cung cấp thông tin, vận động đối tượng phạm tội ra đầu thú đã đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, cơ quan công an đã giảm bớt khó khăn, công sức và thời gian truy bắt đối tượng.
Điều tra viên Công an huyện Xuyên Mộc làm việc với đối tượng phạm tội cố ý gây thương tích. |
Theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2015 đến nay, ngành công an phối hợp với các tổ chức đoàn thể đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại 475 đối tượng truy nã, trong đó có 212 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường 10, TP. Vũng Tàu cho hay, vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là rất quan trọng. Do vậy, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng công an tích cực tuyên truyền cho người dân, chủ nhà trọ, nhà nghỉ về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội. Từ đó, người dân đã cung cấp cho cơ quan công an nhiều tin tố giác tội phạm có giá trị, góp phần bảo đảm ANTT địa phương. Đơn cử như trong năm 2018, một chủ nhà trọ trên địa bàn phường đã cung cấp thông tin cho cơ quan công an bắt được đối tượng bị truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trung tá Nguyễn Bá Triều, Đội trưởng Đội chuyên đề về công tác nghiệp vụ cơ bản, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02)-Công an tỉnh cho biết, việc xác minh truy bắt đối tượng phạm tội bị truy nã thường gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, qua nhiều năm, thông tin về đối tượng truy nã dần mờ nhạt, hình dáng cũng thay đổi và đối tượng thường lẩn trốn qua nhiều địa phương. Vì vậy, việc truy bắt đối tượng tốn nhiều thời gian, công sức. “Việc vận động đối tượng truy nã đầu thú sẽ giảm bớt thời gian, chi phí truy bắt và trên hết là thể hiện tính nhân văn của pháp luật, tạo cơ hội cho người phạm tội được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật”, Trung tá Nguyễn Bá Triều nói.
Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh phối hợp với Công an TP. Vũng Tàu dựng lại hiện trường một vụ giết người xảy ra tại phường 12, TP. Vũng Tàu. |
Trung tá Nguyễn Bá Triều kể một vụ việc điển hình về vận động đối tượng phạm tội ra đầu thú: Do có xích mích với Phạm Bùi Anh Quân (SN 1996, trú huyện Long Điền), khoảng 21 giờ ngày 14-3-2018, Nguyễn Thanh Chánh (SN 1992, trú huyện Long Điền) đã cùng nhóm bạn hẹn Quân đến một quán nhậu trên đường Phạm Ngọc Thạch, TP. Bà Rịa để nói chuyện. Cuộc nói chuyện đã biến thành án mạng khi nhóm của Chánh xúm vào đánh Quân dẫn đến tử vong. Gây án xong, cả nhóm bỏ trốn. Sau khi được Phòng PC02 kêu gọi ra trình diện và phối hợp với chính quyền địa phương cùng gia đình vận động, ngày 28-3, các đối tượng đã lần lượt ra đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội. Cơ quan công an không phải thực hiện việc truy bắt. Nhờ vậy, vụ án sớm được xác minh, điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Là người trực tiếp tham gia bắt và động viên gia đình một đối tượng truy nã, bà Trần Thị H., tổ trưởng tổ 9, khu phố 2, phường 10, TP. Vũng Tàu kể: Năm 2004, Phạm Văn T. (quê Hưng Yên) bị Công an tỉnh Hưng Yên truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi chạy trốn nhiều nơi, năm 2012, T. đưa vợ con vào phường 10, TP. Vũng Tàu thuê phòng trọ sinh sống. Trong thời gian sống tại địa phương, T. tỏ ra là người hiền lành, nên không ai nghĩ đây là đối tượng bị truy nã. Đầu năm 2018, khi biết được thông tin, bà H. đã phối hợp với công an bắt giữ đối tượng. Sau khi T. bị bắt và di lý về Hưng Yên, bà H. thường xuyên qua lại động viên, phân tích có lý, có tình để vợ, con T. hiểu và vượt qua giai đoạn khó khăn. “Chú T. thường qua tâm sự với tôi về hoàn cảnh gia đình. Con người và cách nói chuyện của chú ấy rất hiền lành, được mọi người quý mến và không ai nghĩ là tội phạm. Vì vậy, sau khi chú T. bị bắt, tôi và bà con lối xóm không xa lánh mà thường xuyên qua trò chuyện, an ủi vợ, con chú ấy để động viên họ vượt qua mặc cảm”, bà H. tâm sự.
Tại hội nghị vận động đối tượng truy nã ra đầu thú trên địa bàn tỉnh do Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức vào cuối năm 2018, đồng chí Nguyễn Văn Đa, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết: Thời gian qua, công tác vận động đối tượng truy nã ra đầu thú trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo đảm áp dụng chính sách khoan hồng với đối tượng đầu thú. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, vận động đối tượng ra đầu thú, truy bắt người bị truy nã vẫn gặp nhiều khó khăn. “Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả phòng, chống tội phạm trong thời gian tới, bên cạnh nhiệm vụ của các ngành, cơ quan chuyên môn và sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phát huy vai trò quần chúng nhân dân tham gia vận động đối tượng ra đầu thú, tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện đối tượng bị truy nã”, đồng chí Nguyễn Văn Đa nhấn mạnh.
Bài, ảnh: PHƯỚC AN