Lừa đảo qua điện thoại và lệnh bắt giả!

Thứ Ba, 11/12/2018, 16:58 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Công an TP. Vũng Tàu, từ đầu năm 2018 đến nay, nhất là vào những tháng cuối năm, tình trạng tội phạm giả danh các cơ quan pháp luật để gọi điện thoại đe dọa, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân tiếp tục tái diễn trên địa bàn. Nhưng thủ đoạn mới của tội phạm là gửi tin nhắn hình ảnh lệnh bắt giả để gia tăng áp lực với nạn nhân. Vì vậy, người dân cần cảnh giác hơn với loại tội phạm này.

Một “Lệnh bắt khẩn cấp” giả tạo do bọn lừa đảo “chế tác” gửi cho nạn nhân để gây hoang mang, khiến họ lo sợ phải làm theo yêu cầu chuyển tiền cho bọn chúng. Ảnh: TUYẾT AN
Một “Lệnh bắt khẩn cấp” giả mạo do bọn lừa đảo “chế tác” gửi cho nạn nhân để gây hoang mang, khiến họ lo sợ phải làm theo yêu cầu chuyển tiền cho bọn chúng. Ảnh: TUYẾT AN

Bên cạnh việc đối tượng lừa đảo vẫn sử dụng thủ đoạn cũ là gọi điện thoại để liên lạc với nạn nhân, tự xưng là người đại diện cơ quan pháp luật như cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để người dân dễ tin tưởng, thời gian gần đây, bọn tội phạm còn có phương thức lừa đảo “nặng đô” hơn là làm giả cả lệnh bắt của cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án có cả chữ ký, dấu đỏ của ngành chức năng để gửi qua Zalo, tin nhắn cho các nạn nhân xem. Do đó, càng làm cho nạn nhân hoang mang, lo sợ hơn và nhanh chóng chuyển tiền ngay vào tài khoản do bọn lừa đảo cung cấp.

Cụ thể như, trường hợp của bà L.T.S. (45 tuổi, ngụ phường 7, TP. Vũng Tàu), nhận được cuộc điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ Cục Cảnh sát Phòng chống ma túy – Bộ Công an thông báo bà S. có liên quan đến đường dây tội phạm ma túy, đồng thời yêu cầu bà chuyển hết số tiền có trong sổ tiết kiệm vào tài khoản XXXXX…. của Bộ Công an (do chúng cung cấp) để phục vụ yêu cầu điều tra. Nếu không nhanh chóng thực hiện yêu cầu của “cơ quan pháp luật”, bà S. sẽ bị bắt ngay trong ngày. Và, để tăng thêm sức mạnh cho lời đe dọa này, đối tượng đã gửi qua Zalo hình ảnh văn bản “lệnh bắt khẩn cấp” đối với bà S. có chữ ký, dấu đỏ. Sau khi xem qua lệnh bắt giả qua Zalo của bọn tội phạm, bà S. rất sợ hãi nên vội vàng ra Chi nhánh Ngân hàng Eximbank chuyển số tiền 500 triệu đồng có trong sổ tiết kiệm vào tài khoản của bọn lừa đảo.

Tương tự, bà N.T. L. (43 tuổi, ngụ phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu) đến cơ quan công an trình báo: Bà L. đã nhận được cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an điều tra TP. Hà Nội thông báo bà L. đang bị điều tra về hành vi liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, đối tượng đã gửi qua Zalo hình ảnh văn bản “Lệnh bắt khẩn cấp” đối với bà L. có chữ ký, dấu đỏ, đồng thời yêu cầu bà lập tức ra ngân hàng chuyển hết số tiền bà đang có vào tài khoản của “Cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội”, để “hợp tác điều tra” nếu không thì bà L. sẽ bị bắt ngay trong ngày. Quá hoảng sợ, bà L. đã nhanh chóng ra ngân hàng chuyển số tiền 529 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu.

Theo Đại tá Đoàn Minh Quyết - Trưởng Công an TP. Vũng Tàu, thời gian gần đây, bọn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại lại đẩy mạnh hoạt động trên phạm vi cả tỉnh BR-VT và TP. Vũng Tàu. Tuy thủ đoạn lừa đảo không mới, nhưng có thêm những chiêu trò đánh vào tâm lý sợ phiền hà, ngại liên quan đến cơ quan pháp luật của người dân. Nhất là việc chúng làm giả những lệnh bắt của cơ quan pháp luật đã khiến cho nhiều người vì quá sợ hãi, lo lắng đã không thể suy nghĩ tỉnh táo và dễ dàng rơi vào “bẫy” của bọn lừa đảo.

Đại tá Đoàn Minh Quyết, khuyến cáo: Người dân cần nắm rõ nguyên tắc làm việc của cơ quan pháp luật khi muốn làm việc, lấy lời khai của công dân thì phải có giấy mời, giấy triệu tập và làm việc trực tiếp, không có chuyện làm việc qua điện thoại như bọn lừa đảo đã thực hiện trong suốt thời gian qua. Một điều quan trọng người dân cũng cần phải biết là “lệnh bắt khẩn cấp” chỉ được công bố khi cơ quan luật pháp thực hiện lệnh bắt đối với người có hành vi phạm tội, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, gia đình người bị bắt… không bao giờ cơ quan chức năng gửi lệnh bắt qua Zalo, tin nhắn điện thoại, email.

Mong rằng, với những thông tin về các trường hợp nêu trên, người dân sẽ hiểu rõ thêm về phương thức, thủ đoạn mới của bọn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, qua hình ảnh trên mạng chuyển tới “con mồi”. Qua đó, luôn đề cao cảnh giác để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Đồng thời, người dân cần trình báo ngay với cơ quan công an khi gặp trường hợp tương tự.

Khi người dân nhận được điện thoại có dấu hiệu nghi vấn như những biểu hiện nói trên nhanh chóng liên hệ với Công an TP.Vũng Tàu để phối hợp giải quyết, qua số điện thoại: (0254) 3856241 – Đội Cảnh sát Hình sự; hoặc (0254) 3856573 – Đội điều tra Tổng hợp.

AN BÌNH

;
.