Thời điểm cuối năm thường diễn ra nhiều sự kiện lễ hội, tổng kết, liên hoan, cưới hỏi… Kéo theo đó là việc nhiều người sau khi tiệc tùng có sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đây là nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông (TNGT), cần được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Lực lượng CSGT Công an TP.Vũng Tàu kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên đường 2-9, TP.Vũng Tàu. |
Thực tế thời gian qua cho thấy, có nhiều vụ TNGT đau lòng xảy ra do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia trước khi tham gia giao thông.
Khoảng 2 giờ sáng 4-12, xe mô tô biển số 77E1-50243 do anh Phạm Ngọc H. (SN 1992) điều khiển lưu thông trên đường Điện Biên Phủ (TP.Bà Rịa). Khi đến trụ đèn số 59, thuộc địa bàn khu phố 3, phường Phước Nguyên (TP.Bà Rịa) thì xe máy do anh H. điều khiển lao lên vỉa hè, rồi tông vào trụ biển báo giao thông. Vụ tai nạn khiến anh H. tử vong. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định do anh H. đã sử dụng rượu bia trước khi điều khiển xe máy, nên không làm chủ tay lái và tốc độ, dẫn đến tự gây tai nạn.
Trước đó, khoảng 21 giờ 40 phút ngày 23-11, xe mô tô biển số 61C1-09075 do anh Danh Kh. (SN 2000) điều khiển, phía sau chở anh Hồ Văn Nh. (SN 2000, cùng quê Kiên Giang) lưu thông trên đường Thùy Vân (TP.Vũng Tàu). Khi đến ngã ba Phó Đức Chính - Thùy Vân, xe mô tô tông vào dải phân cách. Hậu quả, anh Kh. tử vong, anh Nh. bị thương. Nguyên nhân cũng do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia, không làm chủ tay lái và tốc độ.
Tương tự, vụ TNGT xảy ra lúc 1 giờ 15 phút ngày 30-9, tại Km 25+800, Quốc lộ 55 (huyện Xuyên Mộc) giữa xe ô tô 7 chỗ biển số 72A-25776 (do Phạm Quang H., SN 1994 điều khiển) với xe ô tô 4 chỗ biển số 51F-91563 (do chị Mai Nh., SN 1986 điều khiểu) lưu thông theo hướng ngược lại đã làm 2 người chết tại hiện trường, 6 người khác bị thương nặng. Nguyên nhân được xác định do người điều khiển xe ô tô 72A-25776 đã sử dụng rượu bia trước khi lái xe.
Vụ TNGT xảy ra trên Quốc lộ 55 ngày 30-9-2018 làm 8 người thương vong,
do người điều khiển xe ô tô biển số 72A-25776 trước đó đã sử dụng rượu bia.
|
Theo Ban ATGT tỉnh, từ ngày 16-11-2017 đến hết ngày 15-11-2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 694 vụ TNGT, làm chết 236 người và 665 người bị thương. Nguyên nhân của các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, lạng lách đánh võng, lấn làn, vi phạm quy định về nồng độ cồn… Trong đó, hơn 35% số vụ TNGT có liên quan đến việc người điều khiển phương tiện giao thông đã sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện.
Theo Thượng tá Phan Văn Miếng, Phó Phòng Cảnh sát giao thông (PC08)-Công an tỉnh, những ngày cuối năm, nhiều tiệc tùng được tổ chức, kéo theo người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng TNGT. Thời gian qua, các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh đều liên quan tới rượu bia. Vì vậy, lực lượng CSGT tỉnh và CSGT các huyện, thành phố, thị xã sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, lập chốt trên các tuyến quốc lộ, đường nội ô để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, nhất là thời điểm Tết Dương lịch 2019, Tết Nguyên đán. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông.
“Người đã sử dụng rượu bia thì tuyệt đối không lái xe, mà có thể nhờ người khác lái giúp, hoặc đi taxi để bảo đảm an toàn cho chính mình và những người khác đang tham gia giao thông”, Thượng tá Phan Văn Miếng khuyến cáo.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; Phạt tiền từ 7-8 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-6 tháng tùy trường hợp. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; Phạt tiền từ 3-4 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-5 tháng tùy trường hợp. |
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN