Xử lý việc xây dựng nhà ở gây thiệt hại công trình liền kề
Hỏi: Bên cạnh nhà tôi hiện có công trình đang xây dựng nhà ở. Trong quá trình xây dựng đã tác động đến kết cấu nhà tôi, gây lún nền, nứt vách tường. Tôi có gặp chủ công trình cạnh bên để yêu cầu khắc phục sự cố, nhưng không đạt kết quả. Vậy, trường hợp này tôi phải xử sự như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình? (Lê Văn Hậu - TP.Vũng Tàu)
Trả lời: Theo Thông tư số 10/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định một số nội dung về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ (có hiệu lực từ 1-9-2014), công trình liền kề là công trình nằm sát nhà ở được xây dựng, có chung hoặc không có chung bộ phận kết cấu (móng, cột, tường, sàn, mái...) với nhà ở được xây dựng. Công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình nhà ở do chủ nhà và các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, tuân thủ giấy phép xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng có liên quan; bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng và các công trình liền kề, lân cận; bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Về giải quyết tranh chấp giữa chủ nhà với chủ các công trình liền kề, lân cận, Điều 10 Thông tư số 10/2014/TT-BXD quy định: Trước khi thi công, chủ nhà chủ động liên hệ với các chủ công trình liền kề, lân cận để kiểm tra hiện trạng và ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề, lân cận (nếu có). Trong quá trình thi công nếu phát hiện công trình liền kề, lân cận có dấu hiệu bị lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sụp đổ do ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở gây ra, chủ nhà phải phối hợp với các chủ công trình liền kề, lân cận xem xét, xác định nguyên nhân và thống nhất biện pháp khắc phục. Trường hợp các bên không thống nhất thì tranh chấp phát sinh giữa chủ nhà với chủ các công trình liền kề, lân cận được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo Luật Xây Dựng, tại Điều 15 quy định: Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại Tòa án. Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.
Căn cứ các quy định trên, ông Hậu cần liên hệ và yêu cầu cán bộ quản lý xây dựng của UBND phường (xã, thị trấn) nơi có công trình đang xây dựng lập biên bản ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị thuộc địa bàn mình quản lý. Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch UBND phường quyết định đình chỉ thi công công trình; yêu cầu UBND phường giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp UBND phường hòa giải không thành, ông có thể làm đơn khởi kiện, kèm theo các chứng cứ liên quan (hình ảnh, ghi âm, văn bản…) về thiệt hại gửi đến TAND thành phố xem xét, phân xử, bảo vệ quyền lợi cho ông.
Luật gia: THANH MAI