.

Vì đất, đánh mất tình thân

Cập nhật: 16:03, 23/10/2018 (GMT+7)

Tin tưởng con cái coi trọng “ơn nghĩa sinh thành” nên nhiều bậc cha mẹ đã vô tư cho con mượn giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất để thực hiện một giao dịch dân sự khác. Tuy nhiên, một số người con đã không trả lại tài sản cho cha mẹ như đã hứa, từ đó sinh ra kiện tụng giữa cha mẹ và con cái, làm mất đi nghĩa nặng tình thân!

Căn nhà và diện tích đất mà ông Nguyễn Văn Chương (ngụ thôn Đức Mỹ, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) cho con gái “mượn” để chứng minh tài chính làm visa đi du lịch, nhưng hiện đã bị con trai đứng tên chủ sở hữu nhà và quyền  sử dụng đất. 
Căn nhà và diện tích đất mà ông Nguyễn Văn Chương (ngụ thôn Đức Mỹ, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) cho con gái “mượn” để chứng minh tài chính làm visa đi du lịch, nhưng hiện đã bị con trai đứng tên chủ sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. 

Ở tuổi 83, lẽ ra được an hưởng tuổi già, an nhàn bên con cháu, nhưng ông Nguyễn Văn Chương (ngụ thôn Đức Mỹ, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) phải đem đơn đi lại nhiều nơi để khiếu nại đòi lại đất của mình đã bị người con trai út chiếm đoạt. Theo trình bày của ông Chương, vợ chồng ông có căn nhà trên diện tích đất 230m2 tại tổ 18, thôn Đức Mỹ, xã Suối Nghệ. Năm 2016, con gái ông là bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (ngụ thôn Quảng Phú, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) có nhu cầu đi du lịch Mỹ. Để có tài sản bảo đảm làm visa đi du lịch, bà Nhung đã “mượn tạm” giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất của cha mẹ và được đồng ý. Ngày 7-11-2016, ông Chương và vợ là bà Hồ Thị Thới đến một văn phòng công chứng tại TT.Ngãi Giao (huyện Châu Đức) để ký hợp đồng “tặng cho” toàn bộ tài sản trên cho bà Nhung.

Tuy nhiên sau đó, việc đi du lịch Mỹ của bà Nhung không được tiến hành. Lợi dụng việc này, người con trai út của ông Chương là ông Nguyễn Công An đã đề nghị bà Nhung ký hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của cha mẹ cho ông An, để ông An trả lại cho cha mẹ. Tin lời em mình, ngày 5-1-2018, bà Nhung đã đến văn phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng tài sản trên cho ông An. Nhưng sau đó, ông An không thực hiện lời hứa trả lại nhà và đất cho cha mẹ, mà tự đi đăng ký đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho mình. “Vợ chồng tôi sống trên mảnh đất này đã mấy chục năm qua. Ngôi nhà này chúng tôi không bán hay cho riêng đứa con nào, mà muốn để lại làm nơi thờ tự tổ tiên. Không ngờ con trai tôi bất hiếu muốn chiếm đoạt luôn, không chịu trả lại đất cho cha mẹ. Già rồi mà phải mang đơn đi khiếu kiện con, chúng tôi cảm thấy đau buồn lắm”, ông Chương nói.

Trả lời phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu về sự việc trên, ông Nguyễn Công An cho biết, trước đây, trong cuộc họp gia đình, cha mẹ ông đã thống nhất sẽ để lại lô đất và căn nhà trên cho ông trông coi và sử dụng. Do đó, việc ông chuyển tên quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng diện tích đất trên cho mình là hợp lý. Ông An khẳng định, ông không thể trả lại nhà, đất cho cha mẹ, mà chỉ đồng ý cho cha mẹ cùng đứng tên đồng sở hữu, sử dụng với điều kiện phải làm giấy cam kết khi cha mẹ mất thì ông An được thừa kế toàn bộ tài sản này.

Một vụ việc tương tự khác, ông Nguyễn Văn Đ. (sinh năm 1933, ngụ xã Bình Trung, huyện Châu Đức) cho biết: Vợ chồng ông có lô đất gần 6.500m2 ở xã Bình Trung. Năm 2017, con trai ông là Nguyễn Văn H. có nhu cầu đi du lịch Úc, nên đã năn nỉ vợ chồng ông Đ. cho “mượn” tạm thời lô đất trên để chứng minh tài sản làm visa đi du lịch, sau khi trở về sẽ làm thủ tục trả lại đất cho cha mẹ. Vì tin con, vợ chồng ông Đ. đã chấp thuận và tạm thời làm thủ tục “tặng cho” quyền sử dụng đất cho ông H. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành việc đi du lịch Úc, ông H. không trả lại đất cho cha mẹ, mà có ý định chiếm đoạt luôn để chuyển quyền sử dụng đất cho người khác. Trước sự việc này, vợ chồng ông Đ. đã phải gửi đơn cầu cứu đi khắp nơi, nhờ ngăn chặn con trai mình thực hiện âm mưu chiếm đoạt đất. “Tôi thực sự rất đau lòng khi phải đi thưa kiện chính con ruột của mình. Chỉ vì mảnh đất mà con tôi đánh mất tình thân, thật là xót xa!”, ông Đ. xúc động nói.

Theo luật sư Dương Thanh Thuận, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Dương Chính (TP.Bà Rịa), giao dịch chuyển quyền sử dụng đất ở cả 2 trường hợp nêu trên đều là giao dịch giả tạo, không có việc giao nhận tiền chuyển nhượng, mà chỉ nhằm phục vụ cho mục đích chứng minh tài chính để xin visa đi du lịch nước ngoài. Tại Điều 124, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu”. Như vậy, giao dịch dân sự như trên là giả tạo nên sẽ vô hiệu. Do đó, các trường hợp này đều có thể khởi kiện ra tòa để đòi lại tài sản. Tòa án sẽ căn cứ vào quy định pháp luật và các chứng cứ thu thập được để đưa ra phán quyết phù hợp.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

 

.
.
.