Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực từ ngày 20-10-2018, thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013. Theo đó, các hành vi vi phạm về ATTP sẽ bị xử phạt nặng hơn.
TIỀM ẨN NHIỀU NGUY CƠ MẤT AN TOÀN
Tại một điểm bán thức ăn đường phố ở phường 4 (TP.Vũng Tàu), người bán hàng không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh không bảo đảm ATTP. Đơn cử, quán bún đậu mắm tôm trong khu Trung tâm Đô thị Chí Linh (phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) sử dụng khuôn viên vỉa hè để làm nơi chế biến thức ăn, không bảo đảm vệ sinh. Người trực tiếp chế biến thức ăn không sử dụng găng tay. Các lọ đựng mắm tôm có nhiều ruồi bu.
Trên đường Trương Công Định (phường 3, TP.Vũng Tàu) có một quán bánh ướt trên vỉa hè. Người bán hàng có đeo găng tay khi lấy bánh, chả lụa, rau giá vào dĩa bán cho khách, nhưng để nguyên găng tay nhận tiền khách trả. Khi chúng tôi hỏi đeo găng tay làm gì? Người bán vô tư trả lời: “Để tay không dính dầu mỡ”.
Còn quán cơm Miền Tây ở TP.Bà Rịa thì tận dụng đoạn vỉa hè con hẻm bên cạnh làm nơi chế biến thức ăn. Các loại loại gia vị, thực phẩm như ớt, hành lá, nước mắm, bún… được đựng trong những tô nhỏ, che đậy sơ sài.
Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP (Sở Y tế), hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3.250 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc diện quản lý của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ do xã, phường quản lý bao gồm 650 hộ kinh doanh thức ăn đường phố, 750 điểm bán hàng ăn sáng, hơn 1.000 hộ kinh doanh thực phẩm tại các chợ.
Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng Phòng Y tế TP.Bà Rịa cho biết, trên địa bàn thành phố có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chủ yếu có quy mô nhỏ. Hầu hết các cơ sở đều không liên hệ với cơ quan quản lý để được hướng dẫn, cấp giấy chứng nhận ATTP. Bên cạnh đó, ý thức, đạo đức, trách nhiệm của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao, chưa tuân thủ đúng các quy định về ATVSTP.
TĂNG MỨC PHẠT
Nhằm xử lý, phòng ngừa hiệu quả hơn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP. Theo đó, kể từ ngày 20-10-2018, phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng (Nghị định 178/2013/NĐ-CP hiện hành xử phạt 300 – 500 ngàn đồng) đối với một trong các hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; Có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. Xử phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật; Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố; Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn; Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn hoặc vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống...
Luật sư Vũ Anh Thao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho rằng, việc tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm về ATTP là biện pháp răn đe tích cực, góp phần nâng cao ý thức của người kinh doanh trong việc bảo quản, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm quy định pháp luật, tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm thì mới có sự chuyển biến trong vấn đề bảo đảm ATTP cho cộng đồng.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG