Tăng cường ngăn chặn, xử lý thuốc lá nhập lậu

Thứ Tư, 31/10/2018, 16:09 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng, chống thuốc lá nhập lậu trên địa bàn. Qua đó, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, xử lý hàng trăm vụ vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đấu tranh, xử lý thuốc lá nhập lậu cũng đang gặp không ít khó khăn.

BẮT GIỮ, XỬ LÝ NHIỀU VỤ VI PHẠM

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Cảnh sát giao thông phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu trên xe khách từ Long An về BR-VT. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Cảnh sát giao thông phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu trên xe khách từ Long An về BR-VT. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Cách đây 4 năm, ngày 30-9-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Thực hiện chỉ thị này, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (gọi tắt Ban Chỉ đạo 389/ĐP) đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường... tăng cường kiểm tra, nắm địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu.

Theo bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP, việc buôn bán thuốc lá nhập lậu đem lại lợi nhuận lớn hơn rất nhiều lần so với kinh doanh thuốc lá hợp pháp, nên các đối tượng buôn lậu sẵn sàng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, với sự phối hợp tốt giữa các lực lượng, công tác đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ 239 vụ vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu.

Đơn cử, sáng 22-6-2018, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ 13.500 bao thuốc lá nhập lậu tại nhà bà Đỗ Thị Ẩn (51 tuổi, trú tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền). Bà Ẩn không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Theo lời khai của bà Ẩn, số thuốc lá trên bà mua từ một người đàn ông lạ với giá 200 triệu đồng để bán lại kiếm lời.

BẤT CẬP TRONG XỬ LÝ VI PHẠM

Thuốc lá nhập lậu bị Chi cục Quản lý thị trường tỉnh thu giữ. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Thuốc lá nhập lậu bị Chi cục Quản lý thị trường tỉnh thu giữ. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Theo ông Lê Quang Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, việc xử lý hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu đang gặp khó khăn, do quy định trong các văn bản pháp luật liên quan mâu thuẫn lẫn nhau. Cụ thể, Nghị định số 124/2015 NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 5-1-2016) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” quy định: Đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, thì phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng. Mức phạt tiền này cũng được áp dụng cho các hành vi tàng trữ, vận chuyển, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) lại quy định hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo số lượng bao thuốc lá điếu nhập lậu, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm và bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Do quy định chưa có sự thống nhất nên khi phát hiện, bắt giữ các trường hợp nhập lậu từ 500 đến dưới 1.500 bao thuốc lá, các cơ quan chức năng phải xử lý lòng vòng, mất thời gian.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp và buộc đối tượng vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, rất khó để bảo đảm việc thi hành quy định này vì trong một số vụ việc, đối tượng vi phạm (thường là lái xe thuê) không có tiền nộp phạt, hoặc đối tượng đã bỏ trốn không thực hiện nộp phạt, nhất là các vụ việc vi phạm về vận chuyển thuốc lá nhập lậu có số lượng lớn.

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bắt giữ một vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bắt giữ một vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Bà Bùi Thị Dung cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389/ĐP của tỉnh tiếp tục yêu cầu các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, điểm tập kết, cất giữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời; xây dựng các kế hoạch chuyên đề kiểm tra thuốc lá có trọng tâm, trọng điểm; nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, nhất là thời điểm gần Tết Nguyên đán sắp tới. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết không tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu.

Ban Chỉ đạo 389/ĐP của tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý đối với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu. Theo đó, cấp có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản thống nhất hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, không chồng chéo các quy định như hiện nay giữa Nghị định số 124/2015/NĐ-CP với Bộ luật Hình sự; hỗ trợ thêm kinh phí cho các hoạt động trinh sát, theo dõi đối tượng, làm thêm ban đêm, chi phí mua tin và công tác tuyên truyền pháp luật; trang bị các phương tiện chuyên dùng và công cụ hỗ trợ hiện đại hơn phục vụ yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Bài: PHƯƠNG ANH

Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg (tính từ ngày 1-10-2014 đến 1-10-2018), các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 239 vụ vi phạm/234 đối tượng, với số lượng 215.832 bao thuốc lá nhập lậu các loại. Trong đó, xử lý hình sự 15 vụ/10 đối tượng và xử phạt vi phạm hành chính 224 vụ/224 đối tượng. Số lượng thuốc lá đã tiêu hủy theo quy định 207.303 bao các loại.

 

;
.