Trong buổi tập huấn sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) được tổ chức tại TX.Phú Mỹ ngày 25-10 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa khẳng định: Sơ cấp cứu ban đầu đúng cách là thời điểm “vàng” để cứu sống tính mạng của nạn nhân.
Nếu được sơ cấp cứu ban đầu đúng cách trước khi đưa đến cơ sở y tế, có thể giữ được mạng sống của người bị TNGT. Trong ảnh: Một bệnh nhân bị TNGT chấn thương sọ não được cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa. |
Có mặt tại buổi tập huấn cho đoàn viên, thanh niên TX.Phú Mỹ về kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu đối với người bị TNGT, đoàn viên Vũ Phạm Gia Thuận (ấp Phước Sơn, phường Phước Hòa, TX.Phú Mỹ) chia sẻ: Trước đây, Thuận có gặp một số trường hợp bị TNGT, có người bị gãy tay, gãy chân, có người bị chấn thương sọ não… những lúc như thế, người đi đường thường bế nạn nhân lên lề đường hoặc vỉa hè, rồi gọi cấp cứu (115), chứ không hề sơ cứu ban đầu cho nạn nhân, khiến một số nạn nhân chảy máu nhiều, gây nguy hiểm đến tính mạng. “Bản thân Thuận không có kiến thức về sơ cấp cứu, nên cũng chỉ đứng xem chứ không giúp được gì. Tham gia buổi tập huấn lần này, mình thấy rất hữu ích, vì được hướng dẫn kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu ban đầu. Tới đây, nếu gặp những trường hợp TNGT, mình sẽ không còn ngần ngại giúp đỡ nạn nhân”, Thuận bày tỏ.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Vĩnh Tho, Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, có nhiều trường hợp TNGT, người dân chỉ biết gọi số cấp cứu 115, không thực hiện sơ cấp cứu ban đầu hoặc sơ cứu nhưng chưa đúng cách, khiến cho tình trạng của nạn nhân xấu đi. Hơn 80% các trường hợp nạn nhân TNGT được đưa tới Bệnh viện Bà Rịa đều chưa được sơ cấp cứu ban đầu, vận chuyển đúng cách. Tình trạng tử vong của nạn nhân thường xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn, do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất nhiều máu… việc sơ cấp cứu ban đầu đúng cách sẽ tranh thủ tận dụng được “giờ vàng” để tăng cơ hội sống cho nạn nhân, giảm tình trạng bị nặng thêm và tạo khả năng phục hồi sớm hơn.
Thực tế cho thấy, khi giúp đỡ nạn nhân TNGT, sai lầm thường gặp nhất và cũng là phản xạ tự nhiên của nhiều người là lập tức bế vác, cõng nạn nhân đưa đến cơ sở y tế vì cho rằng càng nhanh, càng tốt. Tuy nhiên, với một số trường hợp như gãy chân, gãy tay mà không được nẹp giữ hoặc gãy cột sống, gãy đốt sống cổ mà không được cố định trước khi di chuyển nạn nhân, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến thương tổn nặng nề hơn như có thể bị liệt toàn thân, thậm chí dẫn tới tử vong.
Theo hướng dẫn của bác sĩ Tạ Anh Tuấn,Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bà Rịa, khi nạn nhân bị gãy chân, gãy tay, không nên có những tác động vào vết gãy mà hãy đặt bệnh nhân tư thế nằm và dùng các thanh gỗ, kim loại nẹp cố định tạm thời chỗ xương gãy lại, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Trong trường hợp thấy nạn nhân chảy máu, hãy cầm máu bằng cách lấy bông, gạc băng ép vết thương. Trong trường hợp nạn nhân hôn mê, luôn phải nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ, lúc này không di chuyển mà tiến hành cố định xương đốt sống cổ cho nạn nhân, hạn chế cử động cổ nạn nhân và gọi xe cấp cứu sớm nhất. Còn nếu nạn nhân bị chấn thương vùng đầu có khả năng chấn thương sọ não, cần đặt nạn nhân trên nền cứng và thông thoáng, đầu nạn nhân nằm nghiêng về một bên, băng cầm vết thương mạch máu lớn, tháo bỏ nón bảo hiểm (nếu có) sau đó gọi phương tiện vận chuyển. Khi di chuyển nạn nhân cần ít nhất 4 người hỗ trợ, đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa, nâng nạn nhân cùng một lúc lên miếng ván đặt sẵn rồi đưa lên xe chuyển tới cơ sở y tế.
Bác sĩ Tạ Anh Tuấn (bìa phải), Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bà Rịa hướng dẫn các đoàn viên, thanh niên TX. Phú Mỹ kỹ thuật ép tim, thổi ngạt để cấp cứu hồi sinh, tim, phổi cho nạn nhân TNGT. |
Trong mọi trường hợp sơ cứu, việc đầu tiên là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi... phải móc ra ngay. Cần quan sát các dấu hiệu hô hấp, đối với nạn nhân tim đã ngừng đập, phải tiến hành ép tim ngay bằng cách dùng hai tay ép lồng ngực tại vị trí dưới xương ức 3cm, kết hợp hà hơi thổi ngạt (bịt mũi nạn nhân và thổi hơi vào miệng) nhằm hồi sinh tim, cung cấp oxi lên não, duy trì sự sống cho nạn nhân. “Tuyệt đối không thoa, đắp thuốc theo kinh nghiệm xưa, không lấy vật đã cắm sâu vào thân thể nạn nhân, không di chuyển nạn nhân khi chưa sơ cứu, không vận chuyển nạn nhân bằng xe hai bánh để đưa đến bệnh viện”, Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thọ khuyến cáo.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG