.

Đổi mới trong các phòng xử án

Cập nhật: 18:58, 14/09/2018 (GMT+7)

Bố trí phòng xử án để luật sư ngồi ngang hàng với kiểm sát viên, bỏ vành móng ngựa, thay đổi trang phục của thẩm phán... những điểm đổi mới này đang giúp không gian xét xử của TAND trở nên trang nghiêm, thể hiện tính dân chủ và văn minh hơn.

Theo quyết định của TAND Tối cao, ngành Tòa án, từ 1-9-2018, trang phục xét xử của thẩm phán sẽ được áp dụng thống nhất trên toàn quốc là sử dụng áo choàng dài tay (áo thụng). Bộ áo choàng này có những đặc điểm: Nẹp áo, cổ tay và cầu vai màu đỏ, có họa tiết hình kỷ hà, viền lề màu vàng đồng.

Có mặt tại một phòng xử án của TAND tỉnh trong phiên tòa ngày 12-9, chúng tôi ghi nhận, trên vị trí của Hội đồng xét xử (HĐXX) có ba thẩm phán mặc trang phục áo choàng dài tay. Hình ảnh này thể hiện tính đặc thù của những người nắm giữ cán cân công lý là biểu tượng của ngành Tòa án.

Một phiên tòa của TAND tỉnh ngày 12-9 với nhiều thay đổi trong phòng xử án.
Một phiên tòa của TAND tỉnh ngày 12-9 với nhiều thay đổi trong phòng xử án.

Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Văn Hiến cho biết, ngoài trang phục mới của thẩm phán khi tiến hành xét xử, trước đó, quy định về phòng xử án với mô hình mới theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC của TAND Tối cao cũng đã được thực hiện từ 1-1-2018 ở TAND các cấp. Mô hình mới của phòng xử án được bố trí thể hiện đúng vị trí, vai trò của tất cả các thành phần trong hội trường xét xử, nhằm tạo điều kiện cho những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật. 

Điểm đổi mới đột phá đối với phòng xử án sơ thẩm, phúc thẩm là vị trí của HĐXX được bố trí trên bục cao nhất, phía dưới Quốc huy; vị trí của thư ký phiên tòa được bố trí dưới một cấp, quay lưng vào HĐXX; vị trí của đại diện VKS giữ quyền công tố và luật sư hay người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích của các đương sự được bố trí đối diện với nhau trên cùng một mặt bằng và ở dưới vị trí của thư ký phiên tòa (trước đây, HĐXX, đại diện VKS, thư ký phiên tòa đều ngồi ở bục cao nhất, trên cùng một mặt bằng). Phía bên dưới, tùy theo đó là phiên tòa xét xử hình sự, dân sự, hành chính hay giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên mà có sự sắp xếp tương ứng, bảo đảm trật tự phục vụ cho việc xét xử được trang nghiêm, chính xác.

Từ ngày 1-1-2018, bị cáo đứng ở vị trí bục gỗ thay thế cho vành móng ngựa trước đây trong phiên tòa hình sự. Trong ảnh: Bị cáo Nguyễn Hữu Hùng trong vụ án xâm hại trẻ em tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 30-5 của TAND tỉnh.
Từ ngày 1-1-2018, bị cáo đứng ở vị trí bục gỗ thay thế cho vành móng ngựa trước đây trong phiên tòa hình sự. Trong ảnh: Bị cáo Nguyễn Hữu Hùng trong vụ án xâm hại trẻ em tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 30-5 của TAND tỉnh.

Theo Thẩm phán Nguyễn Văn Pho - TAND huyện Châu Đức, tại các phiên tòa hình sự, bị cáo chưa được coi là có tội nên việc đứng trước vành móng ngựa như trước đây không phù hợp, nay được thay thế bằng bục. Còn việc thay đổi chỗ ngồi nhằm nâng cao trách nhiệm của kiểm sát viên trong việc bảo vệ quan điểm cáo trạng; luật sư hay người bào chữa ngồi ngang hàng với kiểm sát viên tạo vị thế bình đẳng khi tranh luận. Việc thay đổi chỗ ngồi như vậy, bị cáo hoàn toàn có thể nhìn thấy sự bình đẳng và luật sư hoặc người bào chữa đang thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho mình trước cáo buộc.

Luật sư Trương Xuân Tám, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho rằng, việc quy định mặc áo choàng khi xét xử là hợp lý, bắt kịp xu hướng chung của thời kỳ hội nhập quốc tế. Mặt khác, thực tiễn đổi mới hình thức phiên tòa thời gian qua cho thấy, việc tranh tụng giữa kiểm sát viên với luật sư và những người tham gia tố tụng khác được dân chủ, bình đẳng hơn. Tại phiên tòa, đặc biệt là phần tranh luận, bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự được quyền trình bày ý kiến tranh luận của mình, được tham gia đối đáp khác với những ý kiến, quan điểm của mình một cách công bằng, dân chủ.

Khoác lên trang phục mới của ngành, Thẩm phán Nguyễn Thục Anh - TAND TP.Vũng Tàu không giấu được cảm xúc, bày tỏ: Trước đây, thẩm phán chỉ được cấp trang phục làm việc, chưa có trang phục xét xử riêng và lễ phục, nên chưa thể hiện được tính đặc trưng, khác biệt so với trang phục của cán bộ, công chức cơ quan, tổ chức khác. Thẩm phán mặc áo choàng khi xét xử thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người quyết định các bản án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. “Tuy nhiên, cái người dân cần là phía trong tấm áo choàng tay rộng đó là những trái tim đầy trách nhiệm, những phán quyết vì công lý”, Thẩm phán Nguyễn Thục Anh chia sẻ.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

 
.
.
.