Ngăn chặn tàu thuyền xâm phạm hành lang an toàn đường ống khí
Việc tàu cá đánh bắt hải sản, tàu vận tải và dịch vụ neo đậu xâm phạm hàng lang an ninh, an toàn đường ống khí trên biển vẫn diễn ra khá nhiều. Tới đây, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Lực lượng Biên phòng nhắc nhở tàu cá của Bình Định không neo đậu trong khu vực hành lang an ninh, an toàn đường ống khí. |
Thời gian qua, đã xảy ra khá nhiều vụ tàu cá xâm phạm hành lang an toàn công trình dầu khí ở các khu vực mỏ Rạng Đông, Đại Hùng, 2 tuyến ống dẫn khí Bạch Hổ và Nam Côn Sơn. Đơn cử, từ ngày 25 đến 27-4, tổ tuần tra của BĐBP tỉnh phối hợp với Công ty Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn đã phát hiện, ngăn chặn 6 vụ với 11 tàu cá của các tỉnh BR-VT, Bến Tre, Bình Thuận và Quảng Ngãi vi phạm hành lang an toàn tuyến ống khí Nam Côn Sơn. Còn trong năm 2017, các đơn vị chủ quản đường ống và lực lượng chức năng phối hợp bảo vệ đã phát hiện 45 tàu cá của các tỉnh BR-VT, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định vi phạm hành an toàn các tuyến ống khí. Không chỉ riêng tàu cá, mà theo thống kê của cơ quan chức năng từ tháng 7-2017 đến tháng 7-2018, qua hệ thống tự động nhận dạng AIS đã phát hiện 28 tàu vận tải, tàu dịch vụ trên biển neo đậu trong hành lang an toàn đường ống khí Bạch Hổ và Nam Côn Sơn.
Ông Nguyễn Nguyên Vũ, Điều phối viên an ninh-an toàn Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn cho biết, hệ thống đường ống khí Bạch Hổ và Nam Côn Sơn cung cấp 26 triệu m3 khí/ngày - đêm cho các nhà máy điện, phân đạm để sản xuất 40% lượng điện quốc gia, hơn 30% lượng phân đạm trên toàn quốc. “Việc neo đậu, đánh bắt hải sản trong hành lang an toàn đường ống khí có thể khiến móc, xích neo của tàu mắc vào và làm móp đường ống khí. Bất cứ một sự cố nào làm gián đoạn việc cung cấp khí đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng, gây hậu quả về môi trường, con người và tài sản. Do vậy, hệ thống các đường ống dẫn khí đều phải được bảo vệ nghiêm ngặt”, ông Vũ nhấn mạnh.
Để ngăn ngừa tình trạng trên, ông Nguyễn Nguyên Vũ cho biết, thời gian tới, Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn sẽ tiếp tục đưa thông tin về tọa độ đường ống biển và cập nhật thông tin thường xuyên cho các đơn vị vận tải, dịch vụ trên biển qua thông báo hàng hải; truyền thông cho DN, thuyền trưởng, chủ dự án xây dựng ngoài biển và ngư dân về vị trí tuyến ống khí và các quy định bảo vệ an ninh, an toàn công trình khí để biết và tuân thủ.
Cán bộ Đồn Biên phòng Phước Tỉnh tuyên truyền cho ngư dân không neo đậu, đánh bắt trong khu vực hành lang an ninh, an toàn đường ống khí.
|
Về phía cơ quan chức năng, Thượng tá Phạm Văn Tám - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho hay, thời gian tới, lực lượng BĐBP sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân không neo đậu, đánh bắt hải sản trong khu vực hành lang an toàn tuyến ống khí trên biển; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp tái phạm sau khi đã được tuyên truyền, nhắc nhở. Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh sẽ hướng dẫn ngư dân cài đặt tọa độ, vị trí tuyến ống dẫn khí lên máy định vị của tàu cá; cấp phát tờ rơi sơ đồ hệ thống tuyến ống dẫn khí dưới biển, công trình dầu khí... để ngư dân biết và không xâm phạm hành lang an toàn.
Theo Nghị định 67/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, hành vi “Thả neo trái phép các phương tiện tàu, thuyền trong phạm vi 2 hải lý tính từ rìa ngoài cùng của công trình dầu khí biển; Xâm nhập trái phép hoặc tiến hành các hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào trong vùng an toàn dầu khí của các công trình dầu khí trên biển khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép” có thể sẽ bị xử phạt đến 400 triệu đồng. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM