Ngày 22-8, tại TP.Vũng Tàu, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam và Bộ Nội vụ tổ chức tọa đàm “Tình hình thực hiện Luật Thanh niên năm 2005 và những kiến nghị cho Luật Thanh niên (sửa đổi)”. Các đồng chí: Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và gần 50 đại biểu là Phó trưởng Đoàn ĐBQH, thành viên Nhóm ĐBQH trẻ khóa XIV, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH, lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND, Sở Nội vụ của 22 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Luật Thanh niên năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-11-2005 và có hiệu lực thi hành từ 1-7-2006. Kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về tình hình thực hiện Luật Thanh niên năm 2005 cho thấy, sau 12 năm thực thi, Luật Thanh niên và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo được hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về thanh niên, phát huy thế mạnh của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, vị trí, vai trò của các tổ chức thanh niên được nâng lên, nhận thức của các ngành, các cấp và các địa phương về công tác thanh niên có nhiều chuyển biến, thanh niên được quan tâm, tạo điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, các hoạt động đối ngoại Nhà nước về thanh niên cũng được tăng cường và mở rộng… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Luật Thanh niên năm 2005 còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Nội dung quản lý Nhà nước về công tác thanh niên trong các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể và thiếu thống nhất, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thiếu sự phân công rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan thực hiện; Một số ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm được giao dẫn đến việc ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên còn chậm; Một số chính sách cho thanh niên bộc lộ những hạn chế nhưng chậm được hoàn thiện và bổ sung; Nhiều chỉ tiêu được đưa ra trong các chính sách phát triển thanh niên còn mang tính định hướng, khi triển khai gặp nhiều khó khăn và chưa có cơ chế đánh giá hiệu quả, tiến độ thực hiện; Các số liệu về thanh niên và công tác thanh niên chưa được cập nhật và chính thức hóa vào hệ thống thống kê quốc gia phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát, hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển thanh niên; Vai trò của tổ chức thanh niên trong việc tổ chức cho thanh niên tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát, thúc đẩy việc thực hiện Luật Thanh niên chưa hiệu quả…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được thông tin về dự thảo sơ bộ của Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 6 chương, 51 điều; Đồng thời thảo luận về những nội dung cần sửa đổi của Luật Thanh niên nhằm đáp ứng nhu cầu và quyền phát triển toàn diện của thanh niên, đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Dự kiến, dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, diễn ra vào tháng 10-2019.
MINH NHÂN