Theo các cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu thuốc lá trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, do quy định chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, khiến hồ sơ các vụ vi phạm phải luân chuyển lòng vòng làm cho việc xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá còn chậm và khó khăn.
Cơ quan công an tỉnh phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng lớn. Ảnh: NGUYỀN NGÂN |
Ông Lê Quang Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) cho biết, thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá”, thời gian qua, Chi cục QLTT đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, xây dựng mạng lưới thông tin cơ sở; Kiểm tra các DN, hộ kinh doanh, các điểm kinh doanh dịch vụ có bán thuốc lá như: nhà hàng, quán bar, vũ trường… Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã phát hiện 27 vụ vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu đang gặp khó khăn, do quy định mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật liên quan.
Cụ thể, Nghị định số 124/2015 NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 5-1-2016) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” quy định: Đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên, thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, thì phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng. Mức phạt tiền này cũng được áp dụng cho các hành vi tàng trữ, vận chuyển, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) lại quy định hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo số lượng bao thuốc lá điếu nhập lậu, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm và bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Do chưa có sự thống nhất về số lượng bao thuốc lá điếu nhập lậu tại 2 văn bản quy phạm pháp luật trên, nên khi phát hiện, bắt giữ các trường hợp buôn bán thuốc lá nhập lậu từ 500 bao trở lên nhưng dưới 1.500 bao, các cơ quan chức năng phải xử lý lòng vòng, mất thời gian.
Đơn cử, ngày 11-1-2018, Đội QLTT số 6 - Chi Cục QLTT tỉnh phối hợp Công an TT.Long Điền phát hiện tại ki-ốt B18, chợ Long Điền, do bà Lê Thúy An làm chủ có 1.100 bao thuốc lá điếu các loại do nước ngoài sản xuất nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Theo quy định tại Nghị định số 124/2015 NĐ-CP, Chi Cục QLTT tỉnh làm hồ sơ chuyển sang Cơ quan điều tra. “Tuy nhiên, Cơ quan điều tra lại áp dụng theo quy định của Bộ luật Hình sự, nên đã chuyển hồ sơ vụ việc trở về cho Chi Cục QLTT hoàn tất, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bà Lê Thúy An 87,5 triệu đồng”, ông Lê Quang Hải cho hay.
Qua vụ việc trên cho thấy, sự thiếu nhất quán trong các văn bản pháp luật đã gây khó khăn cho việc xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu theo Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công thương soạn thảo và tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 124/2015/NĐ-CP.
Hy vọng việc sửa đổi Nghị định này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xử lý nạn buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu.
HUYỀN TRANG