Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, hoa màu, nhiều nông dân đã vô tư đốt rơm, rạ ngay tại ruộng gần đường giao thông, phơi nông sản trên đường. Những việc làm này gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc, người dân thường đem nông sản ra phơi trên mặt đường. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các phương tiện qua lại, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Đơn cử như, tại đường Hùng Vương (TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) lòng đường rộng khoảng 10m nhưng đã bị người dân chiếm gần phân nửa để phơi lúa. Vì vậy, các phương tiện qua đây đều phải mạo hiểm “né” sang phần đường còn lại.
Phơi lúa gây cản trở giao thông trên đường Hùng Vương, TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: VĂN ANH |
Bên cạnh đó, tại nhiều địa bàn sản xuất nông nghiệp, rất phổ biến tình trạng người dân đốt rơm rạ, các sản phẩm phụ của nông nghiệp sau thu hoạch dọc các tuyến hành lang đường bộ, đường cao tốc, gây khói dày đặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao thông. Còn nhớ, ngày 3-4-2018, trên cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đoạn cách cầu vượt QL51 khoảng 2km xuất hiện lượng khói đốt đồng dày đặc từ hai bên ruộng tràn ra bao phủ mặt đường, khiến các lái xe đang điều khiển phương tiện lưu thông trên đoạn đường này không thể quan sát được, gây ra vụ va chạm liên hoàn, khiến gần 10 ô tô đâm vào nhau và bị hư hỏng nặng, làm 4 người bị thương.
Nhiều ô tô tông nhau liên hoàn tại điểm xuất hiện khói mù mịt trên cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây ngày 3-4-2018. Ảnh: SÀI GÒN GIẢI PHÓNG |
Thượng úy Nguyễn Văn Ngoan, cán bộ Đội tuyên truyền và xử lý TNGT, Phòng CSGT đường bộ (PC67)-Công an tỉnh cho biết, tại Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, việc phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm bởi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Đơn cử, nếu người điều khiển xe máy đi trên lúa thì lực ma sát giảm, trơn trượt gây té ngã là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, việc đốt rơm rạ gần đường giao thông che khuất tầm nhìn cũng rất dễ xảy ra TNGT.
Theo Điều 12, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định: Phạt tiền từ 100 - 200 ngàn đồng đối với cá nhân phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ. Trong trường hợp vi phạm mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cản trở giao thông đường bộ” theo Khoản 1, Điều 261 Bộ luật Hình sự sẽ bị phạt tiền từ 30- 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Bên cạnh đó, người phơi rơm, nông sản trên đường cũng sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự. Còn hành vi đốt rơm, rạ gây khói bụi ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 2, Điều 7 Nghị định 179/2013 “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” với mức phạt 1-2 triệu đồng.
PHƯỚC AN