"Đại dịch" vỡ nợ

Thứ Hai, 12/03/2012, 07:48 [GMT+7]
In bài này
.

 

Nguyễn Quốc Thái (nguyên cán bộ Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh Vũng Tàu bị phạt tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Nguyễn Văn Cương (bìa phải, nguyên cán bộ Ngân hàng Techcombank Chi nhánh Vũng Tàu đến cơ quan công an trình diện về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ vỡ nợ với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng làm cho nhiều người lâm vào cảnh khốn khó, gây mất trật tự an toàn xã hội.

 

VỠ NỢ HÀNG LOẠT

TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt tù chung thân đối với Nguyễn Quốc Thái (40 tuổi, trú tại đường Hoàng Văn Thụ, phường 7, TP. Vũng Tàu, nguyên cán bộ Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Vũng Tàu) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Từ năm 2008, do đầu tư mua cổ phiếu và mua bán sàn vàng bị thua lỗ, Thái đã làm 11 Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở (sổ đỏ) giả (được công chứng) để lừa bán cho nhiều người với số tiền lên đến 31,25 tỷ đồng. Ngoài ra, Thái còn vay của nhiều người với số tiền 33 tỷ đồng nhưng mất khả năng thanh toán.

Cùng “chiêu lừa” như Thái là Phạm Hữu Phước (34 tuổi, trú tại phường Long Toàn, TX.Bà Rịa, nguyên cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Đức). Từ năm 1997 đến năm 2010, khi còn làm cho ngân hàng này, Phước đã vay tiền của nhiều người lên đến 5 tỷ đồng nhưng mất khả năng thanh toán. Trước áp lực bị đòi nợ, Phước cùng vợ là Nguyễn Thị Khánh Minh (34 tuổi) thuê người làm sổ đỏ giả (được công chứng) để chuyển nhượng, thế chấp vay tiền của nhiều người. Ngày 4-3-2012, TAND Tối cao tại TP.Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử phúc thẩm và tuyên phạt Phước 11 năm tù giam, Minh 8 năm 6 tháng tù giam.

Phạm Văn Bình (32 tuổi, quê Thái Bình, nguyên cán bộ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương) đã vay 11,7 tỷ đồng của nhiều người để làm dịch vụ đáo hạn cho khách hàng tại những ngân hàng khác ở TP.Vũng Tàu nhưng mất khả năng thanh toán nên bỏ đi khỏi nơi cư trú. Còn Nguyễn Văn Cương (30 tuổi, quê Nghệ An, nguyên cán bộ Ngân hàng Techcombank Chi nhánh Vũng Tàu) cũng đã vay hơn 10 tỷ đồng của nhiều người để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng cho khách hàng tại ngân hàng mà mình đang công tác và cũng mất khả năng thanh toán.

Trong những tháng đầu năm 2012 còn chứng kiến nhiều vụ vỡ nợ khác trên địa bàn như vụ Lưu Thị Cẩm Thy (36 tuổi, trú tại khu phố 3, phường Long Toàn, TX.Bà Rịa - 770 triệu đống), vụ Thái Thị Phen (44 tuổi, quê Đồng Tháp, trú tại khu phố Hương Sơn, phường Long Hương, TX.Bà Rịa – 1,83 tỷ đồng), vụ Nguyễn Quốc Hồng Trân (40 tuổi, trú tại khu phố Long Bình, TT.Long Điền, huyện Long Điền – 3,28 tỷ đồng), vụ Nguyễn Thị Diệu Hạnh trú tại đường Lương Thế Vinh, phường 9, TP.Vũng Tàu – 3 tỷ đồng), vụ Nguyễn Thị Hà (32 tuổi, trú tại khu phố Hải Tân, TT.Long Hải, huyện Long Điền – 2,7 tỷ đồng), vụ Lê Phạm Thụy Bích Tuyền (36 tuổi, trú tại đường Lê Lợi, TP.Vũng Tàu – 5 tỷ đồng)…

NGƯỜI BỊ HẠI CŨNG CÓ THỂ LÀ NGƯỜI CÓ TỘI

Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo kể trên là vay tiền với lãi suất cao, lên đến tức 60%/năm, thậm chí vay nóng có khi lên đến 15%/tháng (tức 180%/năm). Ham lãi suất cao, nhiều người đã dùng tiền tiết kiệm, huy động tiền của anh em người thân hoặc thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng lấy tiền cho vay lại để hưởng chênh lệch. Và hậu quả đằng sau các vụ vỡ nợ là nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khó, nợ nần…

Ông Nguyễn Văn N. (65 tuổi, trú tại TP.Vũng Tàu) đã lên cơn nhồi máu cơ tim và tử vong khi hay tin vợ của mình lấy sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay 2 tỷ đồng cho Nguyễn Thị Ngọc Nga vay lại để hưởng chênh lệch.

Ông Nguyễn Văn Th. (34 tuổi, trú tại TP.Vũng Tàu) biết Nguyễn Văn Cương làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng và trả lãi đúng hẹn nên ngoài tiền của mình, ông còn huy động anh em, người thân trong gia đình với số tiền lên đến 4,3 tỷ đồng để cho Cương vay. Khi Cương không còn khả năng thanh toán, ông Th. bỗng chốc phải ôm một số nợ lớn mà không biết bao giờ mới trả được.

Ngoài việc ham lãi suất cao, nhiều người vướng vào vòng xoáy của các vụ vỡ nợ do thiếu hiểu biết trong việc sử dụng các loại giấy tờ nhà đất, dễ dàng cho người khác sử dụng giấy tờ nhà, đất của mình. Ngoài ra, trong hầu hết các vụ vỡ nợ, lừa đảo chiếm đoạt nói trên còn cho thấy những kẽ hở trong công tác chứng thực giấy tờ, nhà đất.

Theo Luật sư Hoàng Hà, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, khi người dân đến các văn phòng công chứng để lập hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà, đất thì trách nhiệm của công chứng viên phải kiểm tra đầy đủ các thủ tục. Nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng do công chứng sai thì công chứng viên đó phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Còn nếu biết sai mà vẫn cố tình công chứng thì công chứng viên có thể bị xem xét tội đồng lõa lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn việc vay tiền giữa những cá nhân với nhau, theo quy định tại điều 476 Bộ luật Dân sự, lãi suất hai bên thỏa thuận không được vượt quá 150% so với lãi suất cơ bản mà ngân hàng Nhà nước công bố. Nếu vượt quá quy định này, người cho vay sẽ bị xem xét hành vi “cho vay nặng lãi”, mang tính bóc lột.

Bài, ảnh: KIẾN GIANG

;
.