.

1001 CHUYỆN VI PHẠM AN TOÀN GIAO THÔNG

Cập nhật: 08:11, 11/10/2004 (GMT+7)
Xử lý vi phạm về đội nón bảo hiểm trên tỉnh lộ 44 đoạn ngã ba Nhà máy khí Dinh Cố (ảnh chụp ngày 9-10-2004). Ảnh:Minh Tuấn.

Từ đầu tháng 9-2004 (thực hiện tháng an toàn giao thông) đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) được sự tăng cường của thanh niên tình nguyện đã liên tục tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và nội ô. Thế nhưng, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn gia tăng. Một ngày cuối tuần, Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã theo chân lực lượng CSGT và ghi nhận như sau:

TỪ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐẾN "THẢO DÂN" ĐỀU VI PHẠM

17 giờ 45 phút ngày 8-10-2004, chúng tôi theo xe tuần tra của lực lượng CSGT và cảnh sát cơ động (CSCĐ) xuất phát từ Ngã Năm tỏa đi các đường phố nội ô TP. Vũng Tàu. Khoảng chưa đầy một giờ đồng hồ, đã có 42 chiếc xe máy vi phạm được đưa về Phòng CSGT tỉnh để xử lý. Có 4 CSGT viết quyết định xử phạt hành chính nhưng vẫn không kịp khi số xe máy vi phạm được đưa về mỗi lúc một nhiều hơn. Đại úy Nguyễn Văn Nỡ, Đội phó đội tuần tra, Phòng CSGT đường bộ, Công an tỉnh cho biết: Mỗi tối tuần tra, kiểm soát ở nội ô thành phố Vũng Tàu, lực lượng công an tạm giữ trên 100 xe máy. Thế nhưng, vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn gia tăng.

Lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát ở nội ô chủ yếu phát hiện các phương tiện vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, chở vượt số người quy định, lạng lách đánh võng, là những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Nhưng khi xử lý, phát hiện thêm nhiều người, không có giấy phép lái xe, không đăng ký bảo hiểm xe máy. Không chỉ những người dân lao động vi phạm mà còn có nhiều cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên cũng vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ông Nguyễn Quang Tuyến, nhà ở phường 7, đi xe 72 H5 2736 nói với chúng tôi: Ông vượt đèn đỏ, bị phạt đến ba lần. Còn Hoàng Thế Long, một sinh viên đi xe 72 K1 5213 thì tái phạm vượt đèn đỏ, bị phạt đến lần thứ 4. Trần Cao Anh, Nguyễn Tấn Lộc, mới học lớp 8, nhà ở huyện Châu Đức, đi xe 72 H8 6489 khi bị CSGT dừng xe hỏi giấy tờ thì bỏ chạy và gây tai nạn giao thông… để phải vào "đồn".

"NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY MÀ ĐAU ĐỚN LÒNG"!

Gặp nhau tại Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh BR-VT vào những ngày cuối tuần là những người vi phạm trật tự an toàn giao thông với đủ mọi thành phần, từ trẻ tới già, từ nam tới nữ. Tối ngày 8-10-2004, chứng kiến tại bàn xử lý vi phạm có khá nhiều điều đáng suy nghĩ. Người biết lỗi thì nài nỉ xin tha: "Em đi sai đường, xin anh đừng có viết quyết định vội…". Có người thì cãi lý: "Tôi vượt đèn đỏ, ai làm chứng". Một thanh niên "choai choai" rút điện thoại di động, gọi về nhà cầu cứu: "Ba ơi, xe con bị công an giữ, ba đem giấy tờ xe ra gấp…". Còn một bác để tóc dài ra dáng nghệ sĩ, chếch choáng men rượu thì phán: "Gia đình tôi là gia đình cách mạng, tôi đã từng trên bom dưới đạn ở Đường 9 Khe Sanh, tôi vi phạm cái gì ?…" Hay chỉ vì con đi xe không biển số, cho người khác điều khiển không có giấy phép lái xe mà một cán bộ nghỉ hưu "đến can thiệp" tự xưng tên Hồng nói với một CSGT: "Biển số xe công an giữ, con tao can tội gì, tao gọi giám đốc Công an tỉnh ra ngay…".

Theo báo cáo từ Ban An toàn giao thông tỉnh: Trong 9 tháng đầu năm 2004, trên địa bàn đã xảy ra 212 vụ tai nạn giao thông (tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm trước), làm chết 228 người và bị thương 140 người.

Theo chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ lực lượng tuần tra, kiểm soát nội ô khi phát hiện vi phạm trật tự an toàn giao thông thì đưa phương tiện về Phòng xử lý. Thế nhưng, khi về đến đây, nhiều người điều khiển phương tiện không ở tại chỗ để làm các thủ tục xử lý vi phạm do không xuất trình được giấy tờ hợp lệ nên đi "cầu cứu" người nhà, người quen thường là những người có thể gây được sức ép đối với CSGT. Trong các trường hợp này, buộc CSGT ra quyết định xử phạt vắng mặt và tạm giữ phương tiện. Theo đại úy Nguyễn Văn Nỡ: Chính vì nghe thông tin một chiều mà nhiều người đi "giúp đỡ" có thái độ và hành xử thiếu văn hóa, không tôn trọng những người thi hành luật pháp như chúng tôi.

CẦN CÓ BIỆN PHÁP MẠNH ĐỂ CHẾ TÀI

Không ít các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông mà chúng tôi ghi nhận được là cán bộ, công chức làm đủ mọi ngành, nghề. Đáng ra những cán bộ, công chức này phải là những người gương mẫu trong công tác tuyên truyền và chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Nên chăng, cần có giải pháp là thông báo việc vi phạm trật tự an toàn giao thông đến các cơ quan, đơn vị mà cán bộ, công chức công tác và xem đây là một trong những điều kiện để bình chọn, khen thưởng cuối năm. Bên cạnh đó cũng tăng mức xử phạt hành chính nhằm chế tài các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Có như thế, việc thực hiện kiềm chế sự gia tăng và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn mới thực sự có hiệu quả.

Kiến Giang

.
.
.