KHU DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG TRUNG ĐOÀN 33

Biểu tượng của ý chí quật cường

Thứ Ba, 23/02/2021, 18:39 [GMT+7]
In bài này
.

Với những người đam mê tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, Khu tưởng niệm Trung đoàn 33 (ấp Bình Đức, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) là điểm đến rất ý nghĩa. Nơi đây từng ghi dấu những cuộc chiến đấu và giải phóng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Khu di tích lịch sử cách mạng Trung đoàn 33.
Khu di tích lịch sử cách mạng Trung đoàn 33.

Bước vào Khu tưởng niệm Trung đoàn 33, điều khiến chúng tôi ấn tượng chính là bức phù điêu bằng đá thể hiện hình ảnh các chiến sĩ Trung đoàn 33 năm xưa trèo đèo, lội suối, vác vũ khí, đạn dược... Bức phù điêu như thước phim quay chậm, mô tả hình ảnh những ngày kháng chiến “gian lao mà anh dũng” của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. 

Bà Đoàn Kim Anh, người trông coi, chăm sóc Khu tưởng niệm Trung đoàn 33 cho hay, Trung đoàn 33 là một đơn vị chiến đấu chủ lực trên chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam Bộ trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Trung đoàn 33 bộ binh thành lập ngày 25/4/1965, tại xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) gồm 3 tiểu đoàn bộ binh của 3 Sư đoàn 308, 320, 325 và các đại đội trực thuộc Trung đoàn 1, Sư đoàn 341. Sau 3 tháng huấn luyện, tháng 7/1965, Trung đoàn vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên, đến năm 1969, Trung đoàn 33 tham gia chiến đấu trên địa bàn Bà Rịa-Long Khánh, cũng là giai đoạn gian khổ, ác liệt nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 

Một trong những trận đánh nổi tiếng của Trung đoàn 33 là trận Bình Ba Xăng (chiến dịch Bình Ba) diễn ra vào ngày 5 và 6/6/1969. Khi đó, Trung đoàn 33 quân giải phóng và Tiểu đoàn 440 tỉnh Phước Tuy (nay là Bà Rịa-Vũng Tàu) đối đầu với quân đội hoàng gia Úc trong thế bị động về lực lượng. Nhưng với tinh thần quả cảm, các chiến sĩ đã bất ngờ tấn công nhiều đồn bốt, chi khu địch, giữ thế chủ động gây thiệt hại nặng nề cho địch. 

Trong trận đánh này, 53 chiến sĩ của Trung đoàn 33 đã hy sinh, trong đó 49 người bị địch đào hố chôn tập thể. Sau này, hài cốt của các liệt sĩ đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Nhưng với tấm lòng trân trọng, tri ân các liệt sĩ, nhân dân địa phương vẫn tìm đến cúng viếng các liệt sĩ ngay tại địa điểm chôn tập thể các anh tại xã Bình Ba. Đây cũng chính là Khu tưởng niệm Trung đoàn 33 ngày nay.

Khu tưởng niệm Trung đoàn 33 rộng 4.094m2, gồm tượng đài, bia ghi danh 49 chiến sĩ bị địch đào hố chôn tập thể, Nhà truyền thống trưng bày những hình ảnh các chiến sĩ trong quá trình tham gia chiến đấu với quân địch để bảo vệ Tổ quốc và những buổi họp mặt xúc động từ khi hòa bình lập lại đến nay của các chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước.

Trong suốt quá trình chiến đấu, ở bất cứ mặt trận nào, chỗ nào có địch kìm kẹp, có đồn bốt, có chi khu là chỗ đó có mặt Trung đoàn 33 hỗ trợ quần chúng, lực lượng tại chỗ đánh địch, giữ vững địa bàn. Kết quả, trong hơn 1.200 trận đánh, Trung đoàn đã hạ 235 đồn bốt, phá hủy 103 khẩu pháo cối, bắn cháy 133 máy bay, hơn 1.300 xe quân sự, tiêu diệt hơn 30.000 quân địch, thu giữ hàng ngàn súng đạn của kẻ thù…

Với những thành tích đáng tự hào, Trung đoàn 33 đã được Nhà nước tặng thưởng 7 Huân chương Quân công giải phóng, 4 Huân chương Chiến công giải phóng. Ngày 15/1/1976, Trung đoàn được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Năm 1989, Bộ Quốc phòng có quyết định giải thể Trung đoàn 33. Nhiều cán bộ được điều động bổ sung cho Quân đoàn 1, một số cán bộ, chiến sĩ được chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ hoặc nghỉ hưu trở về xây dựng quê hương, xây dựng kinh tế sau những năm tháng phục vụ trong quân đội. 

Năm 2012, Khu tưởng niệm Trung đoàn 33 được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày nay khi đến Khu tưởng niệm Trung đoàn 33 vào các dịp lễ lớn như: Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Thương binh - liệt sĩ (27/7), Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12), ngoài dâng những đóa hoa tươi thắm và thắp nén hương tri ân các chiến sĩ hy sinh quên mình vì Tổ quốc, du khách còn được nghe những người lính Trung đoàn 33 đang sinh sống trên địa bàn huyện Châu Đức chia sẻ về những chiến tích hào hùng của các chiến sĩ Trung đoàn 33 năm xưa với tấm lòng đầy tự hào, trân quý.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

 
;
.