HƯƠNG VỊ TẾT 3 MIỀN Ở BÀ RỊA-VŨNG TÀU - Kỳ 3: Dẻo thơm bánh tét miền Tây

Thứ Ba, 19/01/2021, 16:31 [GMT+7]
In bài này
.

Bánh tét (còn có tên khác là bánh đòn) là món ăn quen thuộc trong những ngày Tết đối với cư dân Nam bộ. Tuy có rất nhiều nét tương đồng với bánh chưng về nguyên liệu, cách nấu, nhưng bánh tét có sự cuốn hút riêng.

Gói bánh tét ở miền Tây.
Gói bánh tét ở miền Tây.

Về nguồn gốc của bánh tét, một số chuyên gia nghiên cứu văn hóa lý giải rằng, đòn bánh tét trong ngày Tết hôm nay là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm. Khi người Việt bắt đầu vào khai hoang, mở rộng vùng đất phương Nam, do sự tiếp thu nền văn hóa Chăm, trong đó có tín ngưỡng thờ thần lúa nên các cư dân Việt sau này đã tạo ra chiếc bánh tét như ngày nay.

Cũng có truyền thuyết kể lại, vào mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789, Quang Trung - Nguyễn Huệ trên đường hành quân thần tốc ra Bắc, đánh đuổi quân Thanh, đã được một người lính mời ăn bánh tét mà anh ta mang theo. Vua ăn thấy ngon bèn hỏi thăm về loại bánh này. Anh lính kể, bánh do người vợ ở quê làm. Mỗi lần ăn bánh, anh càng thương, càng nhớ vợ hiền. Nghe câu chuyện cảm động, vua Quang Trung hạ lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn Tết, rồi đặt tên là bánh Tết (bánh tét ngày nay).

Những thức quà trong ngày Tết, thường đều có ý nghĩa gợi nhớ về nguồn gốc, mang theo ước nguyện về sự ấm no, sum vầy và ý niệm tạ ơn trời đất đã ban cho mùa màng thuận lợi. Bánh tét được bọc nhiều lá bên ngoài, tượng trưng cho mong muốn sum vầy. Màu xanh của bánh với nhân đậu màu vàng gợi cho người nông dân về màu xanh của đồng quê. Vì vậy, bánh tét được xem như một món ăn phổ biến không thể thiếu trong mâm cỗ để các gia đình dâng cúng ông bà, tổ tiên.

Tại một số địa phương trong tỉnh như xã Hòa Long (TP.Bà Rịa), huyện Long Điền, Đất Đỏ tục gói bánh tét để cúng tổ tiên trong những ngày Tết vẫn được người dân duy trì. 

Bà Ngô Thị Chín, ấp An Bình, xã An Ngãi (huyện Long Điền) cho biết, để hương vị bánh thơm ngon, công việc gói bánh phải tỉ mỉ ngay từ khâu chuẩn bị, đòn bánh phải tròn, đều, khi cắt ra nhân bánh nằm ngay chính giữa hoặc nhân bánh có hình tam giác. Nếu bánh chưng gói bằng lá dong thì bánh tét gói bằng lá chuối, nếu bánh chưng hình vuông thì bánh tét gói tròn, dài khoảng 20cm. Tuy nhiên, nhân bánh tét phong phú hơn, có thể là thịt, có khi nhân làm bằng chuối chín. Màu sắc phần áo bánh tét cũng được người dân sử dụng nhiều nguyên liệu khác nhau như lá dứa, lá cẩm… Để tạo thêm màu sắc cho áo bánh, người gói phải ngâm gạo trong nước lá dứa, lá cẩm khoảng 3 tiếng để màu thấm vào gạo. Sau đó, gạo sẽ được sên trên chảo cùng với nước dừa và nước màu lá dứa hoặc lá cẩm đến khi nước rút hết, gạo săn lại mới đem đi gói bánh.

“Khâu luộc bánh cũng hết sức quan trọng. Nước nấu sôi, xếp bánh vào theo từng lớp, đổ nước thêm cho ngập bánh và đun lửa nấu, nước cạn tới đâu thêm vào đến đó, đậy lá chuối lên trên để khi nấu hơi ít thoát ra ngoài. Củi nấu phải là củi gộc. Ban đầu cho lửa cháy to để sôi đều, sau bớt củi để nồi nước sôi liu riu, độ nóng lan tỏa cho bánh chín đều. Thời gian nấu bánh tét thường từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ. Khi bánh đã chín, bánh được vớt ra ngâm nước lạnh, để bánh nguội rồi treo lên cho ráo nước. Làm như thế bánh sẽ để được lâu, không lại bánh sau vài ba ngày”, bà Chín cho hay.

Chị Thanh Thủy (TP. Vũng Tàu) cho biết, năm nào vào ngày 28 tháng Chạp, gác lại công việc, các thành viên trong gia đình chị cũng quây quần gói bánh tét. “Mặc dù ngày nay, bánh tét có thể đặt hoặc mua tại các siêu thị nhưng gia đình tôi vẫn duy trì việc gói bánh tét, để vừa giúp các thế hệ con cháu biết về nét văn hóa của cha ông, vừa giúp các thành viên hiểu và chia sẻ với nhau”, chị Thủy nói.

ĐÔNG HIẾU

;
.