Hồ Đá Đen có dung tích 34 triệu m3, cung cấp nước sinh hoạt cho 90% hộ dân sinh sống trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, hồ Đá Đen là một trong những công trình thủy lợi quan trọng nhất của tỉnh.
Một góc hồ Đá Đen. |
Từ trên bờ kè hồ Đá Đen chúng tôi trải tầm mắt hướng về phía xa. Dưới làn nước hồ trong xanh phẳng lặng, thỉnh thoảng có một vài người ngồi thả cần buông câu. Phía trên, trong khoang điều hành trạm quan trắc mặt nước, kỹ thuật viên của Trung tâm quan trắc – phân tích môi trường vẫn miệt mài đo các chỉ số chất lượng nước của hồ Đá Đen. Chỉ tay về phía hồ, cán bộ Trung tâm Quản lý - khai thác các công trình thủy lợi tỉnh (Sở NN-PTNT) cho hay, hồ Đá Đen là công trình thủy lợi quan trọng bậc nhất của tỉnh vừa làm nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt vừa phục vụ tưới tiêu cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp.
Ông Vũ Văn Lợi, Trưởng phòng Quản lý nước, Trung tâm Quản lý - Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết, ngày 15/11/1995 Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định số 28/QĐ-QLXD phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hồ chứa nước Đá Đen và giao cho Ban Quản lý dự án thủy lợi 416 (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư. Công trình hồ Đá Đen khởi công từ năm 1997 và hoàn thành sau 7 năm xây dựng. Hồ nằm trên địa bàn các xã Bình Ba, Láng Lớn, Suối Nghệ (huyện Châu Đức); xã Sông Xoài (TX. Phú Mỹ) với dung tích khoảng 34 triệu m3. Nhiệm vụ công trình theo thiết kế là cấp nước tưới cho 2.773ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt 110.000m3/ngày. Nhưng do nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt ngày càng tăng, diện tích đất nông nghiệp giảm nên hiện nay nhiệm vụ công trình có sự thay đổi. Theo đó, hồ Đá Đen có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 1.314ha đất nông nghiệp của các huyện Châu Đức, TX. Phú Mỹ, TP. Bà Rịa; cấp nước sinh hoạt 500.000m3/ngày cho 90% dân trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, để có công trình này là sự nỗ lực quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân địa phương. Bà Trần Thị Tuyết, một hộ dân sinh sống tại xã Láng Lớn kể, gia đình bà từ Quảng Ngãi đến xã Láng Lớn (huyện Châu Đức) sinh sống từ năm 1994. Khi có quyết định xây dựng hồ Đá Đen, gia đình bà Tuyết là một trong những hộ tiên phong bàn giao hơn 2ha đất để cơ quan chức năng triển khai công trình. Gần 20 năm qua, trong ký ức của bà Tuyết vẫn còn nhớ như in ngày mà người dân 4 xã Bình Ba, Láng Lớn, Suối Nghệ (huyện Châu Đức); xã Sông Xoài (TX. Phú Mỹ) nhận đền bù, di dời đi nơi khác để bàn giao đất cho Nhà nước xây dựng công trình hồ Đá Đen. “Sau khi đền bù giải phóng mặt bằng xong, đơn vị thi công công trình hồ Đá Đen đã làm việc suốt ngày đêm để công trình hoàn thành đúng tiến độ. Khi hồ hoàn thiện, nguồn cấp nước dồi dào, người dân khắp nơi đều vui mừng phấn khởi, bởi chúng tôi hiểu rằng việc đồng thuận bàn giao đất xây dựng hồ Đá Đen là hoàn toàn đúng đắn”, bà Tuyết nhớ lại.
Chân lội bì bõm dưới nước, ông Phạm Tâm (tổ 5, thôn Sông Xoài 4, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) kéo ống bơm để lấy nước từ lòng hồ lên tưới cho vườn tiêu, cà phê cách hồ khoảng 400m. Ông Tâm kể lại, năm 1997 gia đình ông được cơ quan chức năng thông báo thu hồi hơn 7 sào đất nông nghiệp để phục vụ cho việc xây dựng công trình thủy lợi hồ Đá Đen. Không băn khoăn gì, sau khi kiểm kê và đền bù xong, gia đình ông Tâm vui vẻ bàn giao đất để xây hồ. Hiện nay toàn bộ diện tích đất gia đình ông Tâm bị thu hồi nằm trọn trong lòng hồ Đá Đen. “Trước đây hồ Đá Đen chỉ là một hồ chứa nước nhỏ, chưa đến đầu mùa khô nước đã cạn kiệt, dân không có nước để ăn uống, vườn tược cây trái chết khô vì thiếu nước. Nhưng khi hồ Đá Đen xây dựng và đưa vào vận hành, từ năm 2004 đến nay chúng tôi đã có nước sạch để sinh hoạt, ăn uống và không lo thiếu nước sản xuất ngay cả khi khô hạn”, ông Tâm vui vẻ nói.
Vào giữa tháng 5/2020, tình trạng khô hạn trên địa bàn tỉnh kéo dài khiến trữ lượng nước tại nhiều hồ cấp nước trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Thậm chí có nhiều hồ gần như cạn kiệt. Nhưng hồ Đá Đen mực nước trên hồ cao độ vẫn còn 40,65m vẫn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước để sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
(Còn nữa)