Có gì hay ở một cú ném cùng viên bi sắt? Câu hỏi đó cũng hệt như việc một người ưa thích thể thao đối kháng lạnh nhạt với bộ môn golf vậy. Với HLV Lê Minh Hùng, bi sắt (petanque) dù không nặng tính đối kháng, nhưng sự hấp dẫn bộ môn này không thua kém bất cứ môn thể thao nào.
HLV Lê Minh Hùng hướng dẫn các VĐV tập luyện. |
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, bi sắt là một môn thể thao quần chúng. Hầu như ai cũng có thể chơi bi sắt vì luật chơi khá đơn giản và chi phí thấp. Sân chơi thường là những bãi đất trống ven đường. Mỗi khi diễn ra các trận đấu, người cổ vũ đứng quây quần, rất sôi động. Có những trận đấu diễn ra căng thẳng, người chơi, người xem quên cả thời gian… Và HLV Lê Minh Hùng cũng bắt đầu tình yêu với môn bi sắt từ những cuộc chơi căng thẳng như vậy.
Ít ai biết rằng, trước khi chạy theo những cú ném của đam mê, HLV Lê Minh Hùng là người kinh doanh khá thành đạt. Năm 2001, bi sắt được tỉnh đưa vào là một môn thể thao thi đấu chính thức, ông trở thành HLV Đội bi sắt tỉnh. Công việc mới buộc ông phải tạm giao việc kinh doanh cho vợ gánh vác. Cũng từ đây, ông dồn mọi đam mê và hiểu biết về bi sắt để truyền thụ cho các thế hệ học trò.
Có mặt trong một buổi tập luyện của các VĐV đội tuyển bi sắt tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh (100, Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu), chúng tôi thấy HLV Lê Minh Hùng luôn âm thầm quan sát học trò thi đấu và chỉ bảo cặn kẽ từng động tác. “Nhìn qua tưởng dễ, nhưng chơi bi sắt thật sự rất khó. Để bo (lăn) bi hoặc bắn chuẩn xác, người chơi phải rèn luyện bền bỉ trong nhiều năm liền. Thể lực cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Thường 1 trận đánh bi sắt, kéo dài hơn 1 giờ và người chơi phải di chuyển liên tục trong suốt thời gian thi đấu (trung bình 8-15km). Chưa kể, mỗi viên bi sắt nặng từ 670-750 gram”.
Bộ môn bi sắt có 3 hình thức thi đấu: đấu đơn, đôi và ba. Ở thi đấu đơn và đôi, mỗi VĐV của đội chơi được cầm 3 viên bi sắt; thi đấu bộ ba mỗi VĐV chỉ được cầm 2 viên. Sau khi “bo” hết bi, đội nào có viên bi gần với bi điểm nhất được công nhận là thắng điểm. Mỗi trận thi đấu, đội nào giành được điểm 13 trước thì chiến thắng. Ở những trận thi đấu tính giờ, hết thời gian thi đấu, đội đạt điểm cao hơn là đội giành chiến thắng. Sân thi đấu bi sắt có kích thước 4,5m x 17m. Sau khi bốc thăm thi đấu, người chơi đứng trong vòng tròn có đường kính từ 35 cm đến 50 cm, ném bi điểm xa vòng tròn từ 6-10m, cách 2 biên dọc 1m. Các VĐV có nhiệm vụ bo viên bi của mình sao cho gần bi điểm và bắn viên bi của đối phương ra xa bi điểm. |
Theo HLV Lê Minh Hùng, trong bi sắt, để có được những cú ném chuẩn xác, bi đi đúng mục tiêu đòi hỏi người tập phải tập trung cao độ và rèn luyện nghiêm túc ngay từ những ngày đầu tập luyện. Do vậy ông luôn đòi hỏi các VĐV thực hiện chuẩn xác trong từng động tác. Ngoài ra, môn bi sắt đề cao tính chiến thuật, sự điềm đạm và kiên trì. “Tâm lý càng ổn định, người chơi càng đánh bi chuẩn xác. VĐV khi tham gia thi đấu, ngoài tâm lý vững vàng, kỹ thuật tốt, thể lực tốt còn phải có khả năng phán đoán tốt để nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ”, HLV Lê Minh Hùng nói.
Có lẽ cũng vì sự điềm đạm, nghiêm túc và sống có chiều sâu, những người học trò của ông luôn dành cho thầy tình cảm đặc biệt. “Chúng tôi có dịp cùng đi thi đấu nhiều nơi. Thầy vừa là một HLV giỏi, vừa là một người anh”, VĐV Lê Minh Hải (thành viên Đội tuyển bi sắt tỉnh) nói về người HLV của mình.
Với sự hướng dẫn nhiệt tình của HLV Lê Minh Hùng, những năm qua, Đội tuyển bi sắt tỉnh đã đạt được rất nhiều thành tích ấn tượng: HCB nội dung đôi nam tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc năm 2018; HCV ở Giải vô địch quốc gia năm 2019…
Bài, ảnh: MAI NGỌC