NHỮNG BỘ SƯU TẬP TIÊU BIỂU Ở BẢO TÀNG BÀ RỊA-VŨNG TÀU - Kỳ 5: Bộ sưu tập hiện vật cộng đồng người Kinh

Thứ Sáu, 04/09/2020, 20:07 [GMT+7]
In bài này
.

Cộng đồng người Kinh ở BR-VT có nguồn gốc từ các tỉnh Ngũ - Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (nay là Thừa Thiên - Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi), Bình Định, Phú Yên theo đường biển bằng ghe thuyền đến khai phá vùng đất Mô Xoài vào đầu thế kỷ XVII. 

Khách tham quan không gian trưng bày cộng đồng người Kinh.
Khách tham quan không gian trưng bày cộng đồng người Kinh.

Bên cạnh dân tộc bản địa (cộng đồng người Chơ Ro) sinh sống, định cư trên vùng đất cao, người Kinh đã lập nên thôn ấp, xóm làng trù phú ở các khu vực đồng bằng ven biển như: Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ… Đến Bảo tàng tỉnh, khách tham quan sẽ hiểu thêm về cuộc sống, sinh hoạt của người Kinh vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

GIAN THỜ TỔ TIÊN CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KINH

Được tái hiện theo nguyên gốc căn nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Hoàng trên đường Võ Thị Sáu (khu phố Long Tân, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) vào cuối thế kỷ XVIII. Bàn thờ tổ tiên, ông bà được đặt trang trọng tại gian giữa, gồm 2 bên bộ chân đèn bằng đồng, giữa đỉnh đồng dùng để đốt trầm trong những ngày giỗ chạp. Đây là những hiện vật gốc được sưu tầm tại ấp Long Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền (do các nghệ nhân đúc đồng Xóm Chuông, thị trấn Long Điền thực hiện), bát nhang bằng sứ trắng men lam, ngoài ra còn có lọ hoa bằng sứ, đĩa đựng trái cây, bình cắm hoa sen (đồng).

Phía trên bàn thờ là bức đại tự, 2 bên là cặp câu đối, sơn son thếp vàng treo ở 2 cột giữa. Nội dung bức hoành phi: “Kim cổ ngưỡng”, nghĩa là “Người nay ngưỡng mộ người xưa”. Nội dung cặp liễn: “Gia tu hữu trị hiếu từ tri chỉ bá phong thanh/Đình huấn kỷ gian thi lễ vĩnh truyền tồn trĩ phạm”. Dịch nghĩa: “Sửa việc trong nhà, chỉ biết hiếu từ thời tiếng tốt lan xa/Lấy mình làm gương, nên dùng thi lễ truyền dạy mãi cháu con”. Phía trước bàn thờ tổ tiên là bộ bàn ghế gỗ cẩn đá, bên phải là tủ vát cong, cẩn xà cừ, bên trái bài trí chiếc đồng hồ cổ treo tường và một máy hát (là những hiện vật chế tạo từ thời Pháp, cuối thế kỷ XIX). Phía sau trưng bày 2 bộ đôn và chóe gốm men màu, trang trí hoa văn nổi, với đề tài tứ quý, được sản xuất tại Lái Thiêu (Bình Dương) đầu thế kỷ XX.

GIAN TRƯNG BÀY HIỆN VẬT TẠI PHÒNG KHÁCH CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KINH

Sập gụ, tủ chè… được chạm khắc nổi theo các họa tiết truyền thống khá sống động: tùng, cúc, trúc, mai. Chiếc rương dùng để đựng đồ đạc quý giá trong gia đình, là hiện vật được sưu tầm tại thị trấn Đất Đỏ, niên đại cuối thế kỷ XIX. Ngoài ra, gian trưng bày này còn một số hiện vật bằng chất liệu: gốm men màu (thố đựng cơm được sản xuất từ lò gốm Lái Thiêu, Bình Dương đầu thế kỷ XX). Chất liệu đồng ở gian trưng bày khá phong phú gồm các loại: mâm, chậu, khuôn làm bánh thuẫn, đĩa, hộp đựng trang sức, đèn dầu, lò sưởi, lồng ấp, bàn ủi hình con gà… Bên cạnh đó còn có bộ sưu tập gắn liền với phong tục ăn trầu gồm: ô đựng trầu, ống ngoáy trầu, ống nhổ hay hộp đựng trầu trong lễ cưới hỏi có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX. Tại đây có nhiều hiện vật độc đáo như mâm đồng chạm thủng, trang trí 12 con giáp, mâm đồng trang trí hình chữ “Phúc” với nhiều họa tiết, hoa văn tinh xảo, sống động hay chiếc gương đồng có tay cầm, dành cho phụ nữ để trang điểm...

Tham quan không gian trưng bày của cộng đồng người Kinh ở Bảo tàng tỉnh, du khách được gợi nhớ một phần ký ức của sinh hoạt vật chất các thế hệ cha ông đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách trong quá trình mở đất xứ Mô Xoài, cho con cháu có cuộc sống phồn thịnh, bình yên hôm nay…

NGUYỄN NGỌC TRÂN

(Còn nữa)

;
.